Sáng kiến B3W trong mắt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất một dự án cơ sở hạ tầng trị giá 40.000 tỷ USD, được biết đến với tên gọi “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn” (B3W).
Sáng kiến B3W trong mắt của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất một dự án cơ sở hạ tầng trị giá 40.000 tỷ USD, được biết đến với tên gọi 'Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn' (B3W). (Nguồn: Socialjasoos.com)

Theo tờ Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) ngày 5/8, trong thời kỳ đại dịch, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị đã nổi lên là thách thức địa-kinh tế chủ yếu đối với mỗi doanh nghiệp.

Thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phải đối mặt là đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu thô, vốn tín dụng, nâng cấp chuỗi giá trị và trên hết là khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức vào tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất một dự án cơ sở hạ tầng trị giá 40.000 tỷ USD, được biết đến với tên gọi “Xây dựng lại một thế giới tốt đẹp hơn” (B3W).

B3W ra đời nhắm vào nhu cầu của các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, bao hàm 4 lĩnh vực tiềm năng là khí hậu, y tế, công nghệ kỹ thuật số, công bằng và bình đẳng giới. Sáng kiến này được Mỹ xác định là công cụ chính sách để cạnh tranh ảnh hưởng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, các quốc gia buộc phải nâng cao năng lực sản xuất trong nước, sự ra đời của B3W dường như lại được thúc đẩy bởi động cơ địa-chính trị mà không tính toán đầy đủ đến các mục tiêu địa-kinh tế.

Sáng kiến của Mỹ thiếu một lộ trình cụ thể và rất khó để có thể đem ra so sánh với những lợi ích tiềm năng mà BRI mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các SME nói riêng.

Có 5 lý do chính dẫn đến điều này. Lý do đầu tiên là theo tuyên bố của Nhà Trắng ngày 12/6 vừa qua, sáng kiến này kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác cùng chí hướng, “phối hợp huy động vốn từ khu vực tư nhân” và có thể được giúp sức bởi các tổ chức phát triển tài chính. Ý tưởng huy động tài chính cho cơ sở hạ tầng dường như không mấy khả thi, vì phụ thuộc vào quyết định của khu vực kinh tế tư nhân trong khi lại bị “gò” vào một mục tiêu chính trị nào đó.

Ngược lại, các dự án BRI như xây dựng đường sắt cao tốc, hạ tầng mạng cáp quang, hoặc phát triển các đặc khu kinh tế được thực hiện theo các lộ trình do chính phủ vạch ra, có chiến lược đầu tư lâu dài và nhận được sự hỗ trợ tài chính ổn định. Những dự án này đem lại cho các SME nhiều cơ hội và lợi ích khi tham gia đầu tư xây dựng các hành lang kinh tế trên cơ sở đánh giá các lợi ích đem lại cho chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

Hai là mục đích đằng sau kế hoạch B3W của Tổng thống Biden dường như là nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho người Mỹ và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước này. Nhiều khả năng B3W sẽ không giành được sự ủng hộ từ khu vực kinh tế tư nhân của các quốc gia “cùng chí hướng” vì sáng kiến này dường như chỉ đem lại chiến thắng cho Mỹ, trong khi các quốc gia khác phải trả giá cho chiến thắng của Washington.

Trên thực tế, khi trao đổi với các Giám đốc điều hành (CEO) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 tại Việt Nam, cựu Tổng thống Donald Trump từng khẳng định rằng ông sẽ không để ai khác tiếp tục lợi dụng nước Mỹ.

Vì vậy, B3W của Tổng thống Biden là một nỗ lực của Mỹ nhằm khôi phục lại trật tự thế giới có lợi cho riêng mình. Đây cũng là trật tự mà Bắc Kinh muốn thách thức mạnh mẽ thông qua các can thiệp thương mại, cơ sở hạ tầng và địa chiến lược. Những can thiệp của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các hành lang trên bộ, mà còn có thành phần quan trọng khác là đường biển thông qua sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển," vốn đang mang lại cơ hội cho SME trong việc phát triển cảng biển và thương mại toàn cầu.

[Khi kế hoạch B3W của Mỹ thách thức sáng kiến BRI của Trung Quốc]

Ba là tại Diễn đàn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được tổ chức ở Bangkok, Thái Lan vào tháng 11/2019, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã đề xuất một sáng kiến liên quan đến cơ sở hạ tầng mang tên “Mạng lưới điểm Xanh” - Blue Dot Network (BDN). BDN được định hướng phát triển như một hệ thống chứng nhận toàn cầu có chức năng đảm bảo tính minh bạch về tài chính trong các dự án cơ sở hạ tầng.

Sáng kiến này cũng được ra đời nhằm đối trọng với BRI, song tầm quan trọng dường như chỉ dừng lại ở tính định hướng và những phát ngôn mang tính học thuật, BDN thiếu một lộ trình triển khai thực tế. Mối quan hệ giữa BDN và B3W vẫn còn phức tạp và chưa được xác định, khiến SME gặp khó khăn trong việc giải mã những lợi ích tiềm năng của hai sáng kiến do Mỹ đề xướng này.

Bốn là trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là vào năm 2020, mô hình “Trung Quốc+1” nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Bắc Kinh đã bị thổi phồng đáng kể. Mô hình này sau đó không đem lại được những kết quả như mong muốn. Hơn nữa, bất chấp chiến tranh thương mại và khả năng Mỹ-Trung sẽ tiếp tục đối đầu căng thẳng hơn sau đại dịch, nhiều quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn đặt bút ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm 2020.

Các quốc gia Đông Nam Á, cùng với Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản đã ưu tiên chính sách ngoại giao kinh tế với Trung Quốc và tránh tham gia vào “câu chuyện” của Mỹ. Các nước này quyết định gắn với Trung Quốc để tận dụng lợi ích địa-kinh tế tốt hơn do một hiệp định thương mại lớn nhất khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang lại. Động thái này minh chứng cho thực tế là SME ở các nước có thu nhập thấp và trung bình tiếp tục tin tưởng và thực sự bị thu hút bởi các lợi ích từ mô hình phát triển cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh và thường xuyên tìm kiếm quan hệ đối tác dọc theo hành lang BRI.

Năm là các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình đang có nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và nhiều trong số đó đang được Trung Quốc thi công trong khuôn khổ BRI. Tiêu biểu phải kể đến dự án kết nối đường bộ Á-Âu mới, nằm trong hành lang của BRI kết nối với cảng Rotterdam. Hành lang này dự kiến sẽ rút ngắn đáng kể thời gian vận chuyển giữa Trung Quốc và Tây Âu.

Có thể lấy một ví dụ khác là kế hoạch xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Mông Cổ-Nga được nhất trí vào năm 2016. Dự án nhằm mục đích thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực. Theo đó, không thiếu những ví dụ về các dự án BRI trên thế giới có sự tham gia tích cực của SME.

Một số dự án BRI đang được hỗ trợ tích cực bởi các cơ chế và tổ chức phát triển tài chính, bao gồm Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo và Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) - còn được gọi với tên khác là “Ngân hàng BRICS."

Các dự án BRI cũng mở ra nhiều cơ hội cho các khu vực thương mại tự do phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị của SME dọc theo các hành lang kinh tế. Trong khi đó, B3W không đưa ra được một lộ trình nào cụ thể, cũng như không có ý định thực sự để giải quyết những hạn chế từ nguồn vốn đối ứng ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục