Sáng 30/6: Có gần 183 triệu ca mắc, các nước đẩy nhanh tiêm vaccine

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 30/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 182.559.826 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.953.294 ca tử vong.
Sáng 30/6: Có gần 183 triệu ca mắc, các nước đẩy nhanh tiêm vaccine ảnh 1Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Banda Aceh, Indonesia, ngày 28/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 30/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 182.559.826 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.953.294 ca tử vong.

Số bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục là 167.161.442 người, trong khi 11.445.090 bệnh nhân đang điều trị.

Tình hình dịch bệnh tại Indonesia diễn biến phức tạp hơn, trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này đang đối mặt với làn sóng lây lan thứ hai do biến thể Delta, khiến nước này có kế hoạch áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ ngày 3/7 tới tại các đảo Java và Bali.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ định Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Pandjaitan làm điều phối viên PPKM khẩn cấp tại Java và Bali.

Chính phủ Indonesia hiện đang xây dựng các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt hơn và thông báo chính thức dự kiến được công bố vào ngày 1/7 tới.

Indonesia là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á. Cho tới nay, nước này ghi nhận tổng cộng 2.156.465 ca mắc, trong đó có 58.024 ca tử vong.

[Tiêm vaccine phòng COVID-19: Lựa chọn vì bản thân và cộng đồng]

Cùng ngày, Bộ Y tế Cộng hòa Séc đã bổ sung Nga, Tunisia, Paraguay và Namibia vào danh sách cấm hoạt động đi lại không cần thiết do số ca nhiễm mới gia tăng cũng như sự lây lan các biến thể của virus SARS-CoV-2 ở các nước này.

Ngày 28/6 vừa qua, Cộng hòa Séc ghi nhận sự gia tăng hằng tuần số ca nhiễm mới - từ 118 ca một tuần trước đó lên 157 ca - một dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đang giảm dần kể từ đỉnh điểm gần đây nhất hồi tháng 3 vừa qua có khả năng bùng phát mạnh trở lại.

Lệnh cấm đi lại sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 đối với Nga và từ tuần tới đối với Tunisia. Hai nước này hiện đều ghi nhận một sự gia tăng các ca nhiễm mới trong những ngày gần đây.

Trước đó, Cộng hòa Séc đã áp dụng lệnh cấm trên đối với Ấn Độ và Brazil. Tunisia là một điểm đến du lịch nổi tiếng đối với công dân Séc.

Về vấn đề vaccine ngừa COVID-19, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta ngày 29/6 thông báo nước này sẽ nhận được 13 triệu liều vaccine đầu tiên từ hãng dược Johnson & Johnson (J&J) vào tháng 8 tới để bổ sung vào chương trình tiêm chủng quốc gia.

Giống như các quốc gia khác trên lục địa Đen, Kenya rất chật vật để đảm bảo nguồn vaccine ngừa COVID-19 tiêm chủng cho công dân để có thể dỡ bỏ các hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn đại dịch.

Sáng 30/6: Có gần 183 triệu ca mắc, các nước đẩy nhanh tiêm vaccine ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kampala, Uganda, ngày 28/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Bộ Y tế Kenya, đến nay mới có 1 triệu trên tổng dân số 47 triệu người dân nước này được tiêm mũi vaccine đầu tiên và chỉ có 300.000 người được tiêm chủng đầy đủ.

Tổng thống Kenyatta cho biết Kenya đã đạt được thỏa thuận mua 13 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ hãng J&J với giá cho 10 triệu liều, đồng thời nhấn mạnh với việc triển khai tiêm vaccine một mũi duy nhất sẽ giúp đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.

Dự kiến sẽ có khoảng 150.000 liều vaccine được tiêm mỗi ngày bắt đầu từ tháng 8.

Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) cảnh báo việc Liên minh châu Âu (EU) không công nhận vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ sẽ gây bất lợi cho những người đã tiêm vaccine này ở châu Phi.

Theo các quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, EU sẽ loại bỏ quy định kiểm dịch và xét nghiệm bổ sung đối với những du khách đã được tiêm chủng bằng các loại vaccine đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) công nhận.

Du khách sẽ được cấp chứng nhận tiêm vaccine kỹ thuật số hiển thị tình trạng tiêm chủng. Tuy nhiên, hiện EMA không công nhận Covishield - phiên bản vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca được sản xuất tại Ấn Độ và đã được phân phối rộng rãi tại châu Phi thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Trong một tuyên bố chung,  AU cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cho biết điều này "có nguy cơ tạo ra sự bất bình đẳng" với những người được tiêm chủng ở châu Phi.

Tuyên bố nhấn mạnh Covishield là vaccine chủ yếu trong chương trình COVAX, được EU hỗ trợ cho các chương trình tiêm chủng tại các nước thành viên AU.

Liên quan vấn đề trên, Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 29/6 tuyên bố sẽ trợ giúp 5 quốc gia chưa khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trong khi thế giới đã tiêm chủng 3 tỷ liều vaccine tính đến ngày 29/6.

Hoạt động tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vẫn chưa bắt đầu tại Burundi, Eritrea, Haiti, Triều Tiên và Tanzania - những quốc gia còn lại trong số 194 nước thành viên WHO chưa khởi động chương trình tiêm chủng phòng ngừa COVID-19.

Sáng 30/6: Có gần 183 triệu ca mắc, các nước đẩy nhanh tiêm vaccine ảnh 3Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine Soberana 02 ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại La Habana ngày 31/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Cuba (Minsap) ngày 29/6 thông báo đã bắt đầu triển khai tiêm ứng cử viên vaccine ngừa COVID-19 Soberana 02 cho 25 trẻ em trong độ tuổi từ 3-11 là tình nguyện viên tham gia giai đoạn I thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này.

Theo đó, 25 thanh thiếu niên tuổi từ 12-18 đã được tiêm Soberana 02 ngày 14/6 vừa qua, tất cả đều được báo cáo trong tình trạng ổn định và không có bất thường xảy ra.

Theo Minsap, có 50 em từ 3-18 tuổi tham gia giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng của ứng cử viên vaccine Soberana 02 do Viện vaccine Finlay phát triển, và có thêm 300 tình nguyện viên khác tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Hiện ứng cử viên vaccine Soberana 02 đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm lâm sàng với người trưởng thành và đã được chứng minh đạt hiệu quả 62% sau khi tiếp nhận 2 trong số 3 mũi tiêm. Mũi tiêm cuối cùng có tên là Soberana Plus.

Cuba ngày 29/6 ghi nhận 3.080 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Hiện dịch đang lây nhiễm mạnh tại các tỉnh ngoài La Habana.

Theo Minsap, tỉnh miền Tây Matanzas đã vượt La Habana trở thành tâm dịch của Cuba hiện nay, với 753 ca mắc mới, cao nhất cả nước.

Ngoài ra, các địa phương ghi nhận số ca mắc cao khác là La Habana (387), Santiago de Cuba (333), Camaguey (297), Ciego de Avila (213) và Pinar del Rio (177).

Đến nay Cuba đã ghi nhận tổng cộng 184.943 ca mắc, trong đó 1.254 người tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục