Tuy nhiên, thách thức để hoàn thành mục tiêu đề ra cho cả năm 2012 là không hề nhỏ khi sản phẩm tồn kho vẫn cao và xuất khẩu hàng hóa phải cạnh tranh khốc liệt trong điều kiện thị trường bị thu hẹp.
Sản xuất tăng trưởng ở mức thấp
Tại giao ban sản xuất kinh doanh ngày 1/10, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công Thương Nguyễn Tiến Vị cho biết sản xuất công nghiệp chín tháng qua có được sự tăng trưởng nhưng ở mức thấp, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 4,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm trước do sức mua trên thị trường trong và ngoài nước đều ở mức thấp trong khi tồn kho của một số ngành còn ở mức cao.
Tính đến ngày 1/9, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tồn kho ximăng, sắt, thép, gang tăng trên 40%.
Ông Vị khẳng định, khó khăn lớn trong sản xuất công nghiệp hiện nay vẫn là nhu cầu vốn tăng cao do mặt bằng giá các yếu tố sản xuất tăng, nhưng tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả đầu tư kinh doanh. Vì vậy, các dự án đầu tư nâng cao năng lực sản xuất bị chậm tiến độ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra và gây lãng phí các nguồn lực huy động.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp chín tháng qua vẫn đạt được mức tăng trưởng nhờ được bù đắp bởi một số ngành như đóng tàu và cấu kiện nổi tăng 248%, sản xuất thiết bị truyền thông tăng 57%, sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe tăng 44%...
Xuất khẩu chịu cạnh tranh khốc liệt
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu bình quân chín tháng qua đạt 9,3 tỷ USD/tháng, là mức cao nhất từ trước đến nay nhưng điểm đáng quan ngại là xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, giá xuất khẩu nhóm nông lâm thủy sản chín tháng qua bị sụt giảm mạnh, đã gây thiệt hại hơn 1,8 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, sản phẩm gỗ có quy mô xuất khẩu lớn nhưng tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước, cho thấy sự khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đặc biệt rơi vào những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Theo đại diện Hiệp hội điều Việt Nam, chín tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu điều đạt trên 1 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2011, nhưng tăng trưởng không đạt hiệu quả như mong muốn. Người trồng điều vẫn gặp khó khăn do năng suất, sản lượng sụt giảm và giá bán ra thấp. Vì vậy, có rất nhiều doanh nghiệp lớn trong tổng số 300 đầu mối xuất khẩu và hàng nghìn cơ sở sản xuất chế biến điều bị phá sản. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trên lĩnh vực xuất khẩu điều đang gặp khó khăn rất lớn khi có quá nhiều đầu mối xuất khẩu điều.
Chia sẻ khó khăn về xuất khẩu, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết xuất khẩu thủy sản trong chín tháng qua chưa có được mức tăng trưởng so với cùng kỳ và mục tiêu 6,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2012 là khó đạt do thị trường bị thu hẹp trong khi hàng thủy sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng thủy sản của các nước như Ấn Độ, Thái Lan.
Đặc biệt, việc xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn do phía Nhật Bản tăng cường tần suất kiểm tra chất Ethoxyquin trong tôm. Trong khi đó, giá thức ăn thủy sản, giá cước vận tải tăng thêm 700 USD/container trong khi giá bán thủy sản không tăng được.
Tháo gỡ khó khăn để về đích
Theo Bộ Công Thương, với tình hình kinh tế như hiện nay, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2012 dự kiến tăng 5,4%, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 113 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2011, nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng 0,9% kim ngạch xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp sản xuất trong toàn ngành cần tiếp tục tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm tồn kho sản phẩm; khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước để kích thích sản xuất phát triển.
Trong điều kiện thị trường xuất khẩu đang có dấu hiệu sụt giảm, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường, tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo thị trường để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Hiệp hội để chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn cũng như điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.
Để giảm tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước sản xuất, đại diện công đoàn Bộ Công Thương lại cho rằng bản thân các doanh nghiệp ngành công thương có thể giải quyết khó khăn của chính mình khi triệt để sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước, bởi đầu ra của doanh nghiệp này lại là đầu vào của doanh nghiệp khác./.