Bằng việc áp dụng các công nghệ xanh, giải pháp dựa trên tự nhiên và đổi mới quản trị rủi ro, các doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững không chỉ tiên phong tham gia tích cực vào hoạt động chống biến đổi khí hậu mà còn giúp họ tăng cường lợi thế cạnh tranh kinh doanh.
Đó là nhận định của bà Sitara Syed, Phó trưởng Đại diện thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam tại Diễn đàn Sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam 2019, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật (VUSTA), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) phối hợp tổ chức, ngày 25/10.
[Hà Nội quyết nghị về đầu tư vốn ngân sách, các dự án đầu tư công]
Theo bà Sitara Syed, các doanh nghiệp trên toàn cầu đang ngày càng có ý thức hơn về tính đa dạng và bao trùm. Đây cũng chính là chìa khóa cho sự thành công trong thế kỷ 21.
“Với lực lượng lao động đa dạng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng đặc điểm này để tìm kiếm những tài năng và ý tưởng sáng tạo nhằm bắt kịp xu hướng thị trường. Điều này sẽ mang lại những tác động tích cực cho doanh nghiệp trong việc truyền động lực cho nhân viên, thu hút nhân tài, mở rộng sản xuất kinh doanh bằng các dòng sản phẩm cũng như tham gia vào các thị trường ngách,” bà Sitara nói.
Chị Sùng Thị Lan, đại diện Hợp tác xã Mường Hoa chia sẻ sáng kiến tái sản xuất sản phẩm từ các trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số đã qua sử dụng, chia sẻ bên lề Diễn đàn.
Ông Nguyễn Hùng Cường, chuyên gia hợp tác khu vực kinh tế tư nhân Oxfam Việt Nam chỉ ra những thách thức về biến đổi khí hậu, năng suất lao động thấp, người nông dân sản xuất nhỏ lẻ và yếu thế, nông dân và doanh nghiệp hợp tác chưa đạt hiệu quả cao, quy trình sản xuất chủ yếu qui mô nhỏ và phân tán…. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ cần kiến tạo môi trường pháp luật thúc đẩy sự tham gia của khu vực kính tế tư nhân trong kinh doanh nông nghiệp bao trùm và bền vững để bảo vệ các nhà sản xuất quy mô nhỏ.
"Mặt khác, khối kinh tế tư nhân cần thực hành và cải thiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, các quy tắc ứng xử vì sự phát triển bền vững," ông Cường nói.
Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ kinh tế Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh người tiêu dùng hiện đại đã thay đổi cách thức tiêu dùng, họ không chỉ quan tâm tới chất lượng sản phẩm mà cả quá trình sản xuất phải gắn với trách nhiệm xã hội từ đầu vào của chuỗi sản xuất cho đến sản phẩm đầu ra.
Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Chương trình Én xanh 2019-Tìm kiếm và tôn vinh các sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững với thông điệp "kinh doanh vì cộng đồng nhân văn và phát triển bền vững." Chương trình được triển khai xuyên suốt trong 5 chủ đề nông nghiệp, môi trường, du lịch, trao quyền cho phụ nữ, kinh doanh bao trùm và đa dạng.
Diễn đàn lần này là cơ hội kết nối các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động và các tổ chức cá nhân chia sẻ các giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường thông qua các sáng kiến kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng thu hút sự tham gia của những nhà làm chính sách, cơ quan phát triển trong nước và quốc tế, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư trong các lĩnh vực./.
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Đình Cung phát biểu.