Sản xuất kinh doanh phục hồi, nhà băng được nới tăng trưởng tín dụng

Với đà tăng trưởng nhanh trong 2 tháng qua, tín dụng 11 tháng qua đã thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm trước (8,46% và 10,89%).
Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trái với tình hình ảm đạm thời gian qua, hai tháng trở lại đây, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã dần hồi phục do dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của hệ thống ngân hàng đã trở lại mạnh mẽ và Ngân hàng Nhà nước cũng vừa quyết định tăng thêm hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thương mại có kế hoạch tăng trưởng tốt trong năm 2020.

Tín dụng tăng tốc dịp cuối năm

Trong 2 tháng qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng bình quân đạt gần 1,2%/tháng, gần gấp đôi mức trung bình 9 tháng trước.

Theo số liệu được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cập nhật mới đây, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng Chín mới đạt 6,09%. Tuy nhiên đà tăng trưởng đã bứt phá nhanh trong tháng Mười và tháng 11 khi chỉ qua chưa đầy 2 tháng đã tăng thêm được 2,37% - gấp hơn 2 lần mức bình quân các tháng đầu năm. Lũy kế đến 27/11, tín dụng toàn bộ nền kinh tế đã tăng 8,46% so với cuối năm 2019.

Với đà tăng trưởng nhanh trong 2 tháng qua, tín dụng 11 tháng đã thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm trước (8,46% và 10,89%).

[Giai đoạn 2016-2019: Tăng trưởng tín dụng tăng bình quân trên 16%]

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VnDirect (VnDirect) phân tích các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ trong đó có du lịch đã dần quay trở lại hoạt động bình thường, thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong quý 4/2020 và năm 2021.

“Việc tiếp cận nguồn vốn với chi phí lãi vay thấp hơn giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí hoạt động, thúc đẩy các doanh nghiệp vay mới phục hồi việc sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và ở các lĩnh vực có nhu cầu cao sau đại dịch, bao gồm nông nghiệp, sản xuất, xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ,” các chuyên gia VnDirect nhận định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng, cả nước có gần 124.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.878,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 970.000 lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 15,1 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 40.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 10,7% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên gần 165.100 doanh nghiệp, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng có 15.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Như vậy, đã có hàng triệu tỷ đồng được đưa vào sản xuất kinh doanh trong dịp này.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Hóa chất Quảng Ngãi cho biết, công ty của ông cũng vừa được ngân hàng hỗ trợ giảm 1% lãi suất so với lãi suất đang hiện hữu, điều này đã hỗ trợ tích cực trong việc sản xuất kinh doanh của công ty.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2020 đến nay, để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp, từ đó có điều kiện phục hồi nhanh nền kinh tế do tác động của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của tổ chức tín dụng đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm).

Không chỉ các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp mà khách hàng cá nhân cũng đang được hưởng nguồn vốn thấp này.

Điển hình, tại SHB đã điều chỉnh mức lãi suất vay mua nhà đất từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm và lãi suất vay mua nhà dự án, mua ôtô, tiêu dùng giảm chỉ còn 6,8%/năm; Techcombank đang cho vay mua ôtô và chi tiêu hàng ngày chỉ với mức lãi suất 6,99% cho tới 8,75%/năm cố định trong vòng 2 năm. Còn tại MSB đang áp dụng mức lãi suất từ 6,99%/năm; Vietcombank hiện lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân vay tiêu dùng như mua nhà, xây sửa nhà, mua xe ôtô đang là từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu tiên. Một số gói vay đặc biệt có lãi suất ưu đãi từ 5,7%/năm.

Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đang được các ngân hàng áp dụng phổ biến ở mức 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đây là mức lãi suất giảm khá mạnh so với trước đây.

Nhiều ngân hàng được nới room tín dụng lần 2

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng 2020 lần thứ 2 cho một số ngân hàng thương mại trong đó mức cao nhất lên tới 30%.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết đến hết tháng 11 tín dụng tại ngân hàng này đã tăng trưởng 10% và đã được Ngân hàng Nhà nước nới room lên 14%. Dự kiến cả năm ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 13%-14%.

Theo Chủ tịch Vietcombank, tín dụng tăng cao là nhờ ngân hàng đã định hướng lại khách hàng, đa dạng hóa cơ cấu tín dụng... Về chất lượng tín dụng, hiện tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là dưới 1% - thấp nhất toàn ngành. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt đến 260%, tức là có 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng trích lập 260 đồng dự phòng - mức cao nhất hệ thống. Thời gian tới đây phần dự phòng sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận.

Trước đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã được nới chỉ tiêu tín dụng. Trong tốp được tăng trưởng tín dụng cao nhất có VIB, Techcombank, VPBank, TPBank và HDBank với hạn mức 19%-23%.

Nổi bật nhất là VIB được nới thêm 8,5%-12,5% so với hạn mức ban đầu, trong khi TPBank tăng 7,5%-11,5% và HDBank thêm 7%-12%. 

VPBank và Techcombank được nâng 6%-10% và MB cũng được điều chỉnh "room" tín dụng từ 11,75% lên 20%.

Triển vọng năm 2021, các chuyên gia cho rằng tín dụng sẽ tăng nhanh hơn khi nhu cầu vốn hồi phục trở lại và mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và dự báo tín dụng sẽ tăng khoảng 10%.

Còn các chuyên gia VnDirect cũng dự báo tăng trưởng tín dụng đạt 9% trong năm 2020 và 13%-14% trong năm 2021. Với kỳ vọng GDP 2020 và năm 2021 tăng lần lượt 2,8% và 7,1%, tỷ lệ tín dụng trên GDP sẽ tăng lên 117% năm 2020 và 124% năm 2021, từ mức 110% năm 2019.

Lý giải về nhận định này, về mặt huy động, VnDirect cho rằng do tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cải thiện nhiều và ít áp lực về tỷ lệ lạm phát, Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại trong năm 2021. Do đó, các ngân hàng tiếp tục tận dụng được nguồn vốn với chi phí vốn thấp.

Về mặt tín dụng, tin tức tích cực về vắc xin COVID-19 thúc đẩy hy vọng sự phục hồi kinh tế toàn cầu, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trở lại hoạt động. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam dần phục hồi trong quý 3, được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong quý 4 và cả năm 2021 để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Do đó, các ngân hàng sẽ có thể thu được phần thu nhập lãi của các khoản cho vay tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để cải thiện thu nhập lãi, giúp tỷ lệ NIM (biên độ lãi ròng) của các ngân hàng phục hồi trong năm 2021, dù ở các mức độ khác nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục