Các phân tích của giới nghiên cứu cho thấy sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch đã đạt đỉnh trên toàn thế giới, khi các thị trường mới nổi lựa chọn công nghệ năng lượng tái tạo giá chi phí thấp hơn trong xu hướng toàn cầu chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.
Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện Mặt Trời đã trở thành nguồn năng lượng rẻ nhất để sản xuất điện tại 90% các thị trường mới nổi trên thế giới. Theo đó, các quốc gia đang phát triển có thể tránh sử dụng dầu mỏ và khí đốt khi tìm cách đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng.
Nghiên cứu mới của Hội đồng năng lượng, môi trường và nước (CEEW) của Ấn Độ và tổ chức tư vấn tài chính Carbon Tracker, có trụ sở tại Anh, cho thấy các thị trường mới nổi - chiếm gần 90% nhu cầu điện trong tương lai - đang bỏ qua nhiên liêu hóa thạch và hướng đến sản xuất điện sạch.
Theo nghiên cứu này, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đã đạt đỉnh tại hầu hết các thị trường mới nổi, trừ Trung Quốc.
[Tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn cao như 10 năm trước]
Tuy nhiên, với công suất điện Mặt Trời và điện gió đang tăng nhanh tại Trung Quốc, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tại quốc gia đông dân nhất thế giới này dự kiến sẽ đạt đỉnh trong vòng 5 năm tới.
Chiến lược gia năng lượng tại Carbon Tracker và đồng tác giả nghiên cứu trên, ông Kingsmill Bond nhận định các thị trường mới nổi sẽ đóng góp tất cả đà tăng trưởng nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo.
Điều này sẽ giúp cắt giảm chi phí nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của các nước này, tạo việc làm trong các ngành năng lượng sạch nội địa và ngăn chặn nguy cơ tổn thất hàng triệu sinh mạng do ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà nghiên cứu đã nêu trường hợp Ấn Độ như một ví dụ điển hình một quốc gia có thể nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất điện sạch với các điều kiện kinh tế phù hợp. Kể từ năm 2010, công suất điện Mặt Trời của Ấn Độ đã tăng gần gấp 5, từ 20 GW lên 96 GW.
Nhu cầu sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch của Ấn Độ đạt đỉnh vào năm 2018 và bắt đầu giảm trong năm 2019 và 2020. Hiện năng lượng tái tạo chiếm 37% sản xuất năng lượng của quốc gia Nam Á này./.