Sản xuất điện của Anh khó đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2035

Dù cam kết của ông Johnson được hoan nghênh nhưng theo các chuyên gia, sự phụ thuộc của Anh vào nhiên liệu hóa thạch, vốn là nguồn sản xuất điện lớn nhất của Anh, chiếm tới gần 40% sản lượng điện.
Sản xuất điện của Anh khó đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2035 ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: PA)

Các chuyên gia năng lượng Anh đã lên tiếng cảnh báo cam kết của Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong sản xuất điện vào năm 2035 là "cực kỳ thách thức."

Cam kết của Thủ tướng Johnson được công bố trong bài phát biểu ngày 4/10 của Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng tại hội nghị Đảng Bảo thủ diễn ra ở thành phố Manchester.

Mục tiêu năm 2035 là mốc quan trọng trong lộ trình của chính phủ Anh để đạt mức phát thải ròng bằng 0 cho toàn bộ nền kinh tế vào năm 2050.

Mặc dù cam kết của ông Johnson đã nhận được sự hoan nghênh của các nhóm hoạt động môi trường, song các chuyên gia năng lượng cho rằng việc giảm sự phụ thuộc của Anh vào khí đốt tự nhiên trong lĩnh vực điện sẽ rất khó khăn và tốn kém. Sự phụ thuộc của quốc gia này vào nhiên liệu hóa thạch, vốn là nguồn sản xuất điện lớn nhất của Anh, chiếm gần 40% sản lượng điện, được phản ánh rõ nét trong những tháng gần đây khi giá bán buôn khí đốt tăng cao kỷ lục.

Phát biểu tại Hội nghị Đảng Bảo thủ, Bộ trưởng Kwarteng cho rằng cách duy nhất để tăng cường an ninh năng lượng của nước này là tạo ra nguồn điện không phát thải carbon đến từ nguồn năng lượng tái tạo như gió hay Mặt Trời.

Tuy nhiên, đây là một thách thức bởi việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo này sẽ phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Do đó, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035, Anh vẫn sẽ cần đến một số nhà máy điện chạy bằng khí đốt, mặc dù các nhà máy này sẽ sử dụng công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) để giảm lượng khí thải.

[EU kêu gọi các nước giàu nâng mục tiêu cắt giảm khí thải]

Các quan chức chính phủ hy vọng công nghệ CCS thu hồi carbon từ các nhà máy nhiên liệu hóa thạch và lưu trữ vĩnh viễn dưới mặt đất sẽ được sử dụng rộng rãi vào năm 2035 nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng trong trường hợp không sử dụng được năng lượng tái tạo để sản xuất điện.

Trong khi đó, trái với quan điểm của ông Kwarteng, giám đốc nghiên cứu tại công ty tư vấn Aurora Energy Research có trụ sở tại Oxford (Anh), ông Richard Howard cảnh báo rằng việc áp dụng công nghệ CCS sẽ mất thời gian dài, bởi mặc dù Anh đã xem xét công nghệ CCS trong gần hai thập kỷ song nước này hiện vẫn chưa triển khai công nghệ này trên quy mô lớn.

Ngoài ra, nếu áp dụng các công nghệ carbon thấp có thể thay thế khí đốt chẳng hạn như hạt nhân thì ngay cả khi chính phủ Anh bật đèn xanh cho hàng loạt các dự án hạt nhân cũng không thể biết chắc bao nhiêu trong số đó có thể đi vào hoạt động vào năm 2035.

Do đó, theo ông, để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035 trong khi vẫn đảm bảo được công suất phát điện, Anh cần xây dựng nhiều hơn nữa các nhà máy điện gió trên đất liền và ngoài khơi.

Các số liệu từ Bộ Kinh doanh Anh cho thấy công suất phát điện từ năng lượng tái tạo mới chỉ tăng khiêm tốn với mức 1,4% từ năm 2020 đến năm 2021.

Trước đó, vào năm 2020, Thủ tướng Johnson đặt mục tiêu tăng gấp bốn lần công suất điện gió ngoài khơi hiện tại của Anh lên 40GW vào cuối thập kỷ này. Tuy nhiên ngày 3/10 ông cho biết con số này có thể cần tăng lên 60GW./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục