Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu ảnh hưởng bởi Tết

Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay tương đối dài là nguyên nhân ảnh hưởng tới giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tháng 1.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay tương đối dài là nguyên nhân ảnh hưởng tới giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tháng 1/2012.

Cụ thể chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2012 giảm 12,9% so với tháng trước và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011; kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cũng giảm 28,5% so với tháng trước.

Công nghiệp chế biến giảm mạnh

Mặc dù ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,5%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 1,2%..., song do công nghiệp chế biến giảm mạnh nhất với 4,2% đã kéo IIP giảm 2,4%. Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy tình hình không quá ảm đạm.

Cụ thể, các ngành có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ năm 2011 là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 12,5%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 10,2%; sản xuất môtô, xe máy tăng 9,9%; khai thác, lọc và phân phối nước tăng 9,6%.

Một số ngành có chỉ số tăng khá là khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 9,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 6,6%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 5,5%.

Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng thấp hoặc giảm là sản xuất đồ uống không cồn tăng 4%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 3,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,5%; sản xuất bia tăng 0,4%; sản xuất thuốc lá giảm 4,7%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 7,7%; giày, dép giảm 10,1%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú) giảm 10,3%; sản xuất ximăng giảm 11,5%; sản xuất đường giảm 13,7%; sản xuất sắt, thép giảm 21,5%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 27,9%; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) giảm 32,3%.

Cùng với IIP, chỉ số tiêu thụ cũng thể hiện sự tăng giảm tương ứng, điển hình như sản xuất xe có động cơ tăng 183,3%; sản xuất đường tăng 38,3%; sản xuất gạch, ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 31,8%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 16,2%; sản xuất môtô, xe máy tăng 16,2%.

Tương tự, một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm là sản xuất trang phục (trừ quần áo da, lông thú) tăng 15,4%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 10,1%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 9,9%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 9,2%; sản xuất giày, dép tăng 5,3%; sản xuất xi măng tăng 3,1%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 6%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/1/2012 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 72,7%; sản xuất các sản phẩm thuốc lá, thuốc lào tăng 54,8%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 36,5%; sản xuất môtô, xe máy tăng 31,4%.

Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh là sản xuất giấy nhăn và bao bì giảm 9,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 17,1%.

Duy có sản xuất đồ uống không cồn và đường có chỉ số tồn kho giảm tương ứng là 20,8% và 23,7% - hoàn toàn phù hợp với đặc trưng sinh hoạt, tiêu dùng của người dân trong tháng Tết Nguyên đán.

Xuất khẩu cầm chừng

Xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi yếu tố thời vụ dịp Tết. Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2012 ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 28,5% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 2,3 tỷ USD, giảm 39,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 4,2 tỷ USD, giảm 20,8%.

Theo đánh giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2012 giảm so với tháng trước chủ yếu do một số mặt hàng xuất khẩu chính giảm mạnh như hàng dệt may giảm 26,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 27,5%; cao su giảm 31,3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 34,5%; thủy sản giảm 39,8%. So với cùng kỳ năm 2011, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng đầu tiên trong năm nay giảm 11,1%,

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2012 ước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 29,5% so với tháng trước và giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1 khu vực kinh tế trong nước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2011; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,2%.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 1 của một số mặt hàng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Cụ thể, phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 86,2%; bông giảm 56%; dầu mỡ động thực vật giảm 51,8%; kim loại thường khác giảm 53,5%; vải giảm 30,9%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép giảm 20,6%. Nhập siêu tháng 1/2012 ước tính 100 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Điều này phần nào đã được dự báo trước qua chỉ số CPI năm 2011 chủ yếu tăng cao trong những tháng đầu năm và có dấu hiệu giảm tốc trong những tháng cuối năm. Đặc biệt là trong 4 tháng cuối năm 2011, CPI chỉ tăng dưới 1%/tháng.

Thực tế, như mọi năm CPI cuối năm tăng một phần cũng bởi các doanh nghiệp bắt đầu nhập nguyên phụ liệu sản xuất cho năm tới.

Ngược lại với tình hình chung này, CPI cuối năm 2011 lại giảm tốc chứng tỏ doanh nghiệp không nhập nguyên liệu phần vì lượng hàng tồn đọng cao hoặc không có hợp đồng mới hay chưa có kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm tới./.

Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục