Sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp từ cuối tháng Tư, song hoạt động sản xuất vẫn được duy trì. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 29/5, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Năm của cả nước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đây được coi là tín hiệu khả quan trong bức tranh kinh tế tổng thể trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra hết sức phức tạp sau đợt bùng phát lần thứ 4.

Khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh để sản xuất 

Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng Tư và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát, do đó tính chung năm tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.

Trong mức tăng chung toàn ngành công nghiệp (IIP) của tháng Năm, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,6% so tháng trước và tăng 14,6% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,2% và tăng 12% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,1% so tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ. Riêng ngành khai khoáng giảm 6,4% so tháng trước và giảm 9,8% so cùng kỳ 2020.

Vì sao doanh thu của doanh nghiệp thủy tăng nhưng lợi nhuận lại giảm?

Tính trong cả năm tháng, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,7%),  giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp sản xuất trong tháng tăng cao so với cùng kỳ là thép cán tăng 60%, ô tô tăng 56%, linh kiện điện thoại tăng 36,4%, điện thoại di động tăng 22,2%, sắt, thép thô tăng 18,4%...

Nhờ vậy, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/5 vẫn có mức tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 2,2% so với năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tương ứng tăng 0,2% và giảm 2%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1% và tăng 1,5%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5% và tăng 3,2%.

Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,3% và tăng 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện không đổi và tăng 0,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 0,2%.

Sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng khá trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 2(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Hàng loạt giải pháp để doanh nghiệp ứng phó hiệu quả

Để có được kết quả bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, trước đó Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Bộ Công Thương cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tháng 6 và những tháng tiếp theo, Bộ xác định sẽ bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp, bảo đảm vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có các giải pháp cụ thể để tái khởi động lại hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí an toàn.

Ngoài ra, bộ cũng theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Mặt khác, Bộ cũng đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày điện tử, đồ gỗ... và các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu...

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của cộng đồng doanh nghiệp xây dựng Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định khu vực doanh nghiệp luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do đó cần có các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Cụ thể, cơ quan này cũng đề xuất các doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, chủ động trong việc áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn tăng cường phối hợp, bảo đảm hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, việc cần làm là tập là trung giữ vững các vùng an toàn dịch bệnh để thúc đẩy sản xuất kinh doanh đồng thời ưu tiên thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động. Mục tiêu là sớm kiểm soát được dịch bệnh để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất.

Vê công tác hỗ trợ, cần tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.

“Phấn đấu đến hết năm 2021 đạt một số chỉ tiêu, cụ thể lũy kế khoảng 01 triệu lượt doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó đại dịch COVID-19. Khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất. Khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; Hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...,” Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục