Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2022 giảm 2,4% so với tháng 1/2022, nhưng tăng 20% so với cùng kỳ.
Cụ thể, chỉ số một số ngành như sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng tăng 112% so với tháng trước và tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tính chung hai tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê, đối với ngành công nghiệp cấp II, có 19/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, một số ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; công nghiệp chế biến, chế tạo khác; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất trang phục.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm 2022 tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành hóa dược tăng 35,3%; cơ khí tăng 6,2%; lương thực, thực phẩm và đồ uống giảm 1,5%; hàng điện tử giảm 13,2%.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp nhóm ngành công nghiệp truyền thống trong hai tháng đầu năm 2022 cũng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; đồng thời chỉ số tồn kho ngành này tăng 15,1%.
Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện Thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Võ Khanh Duy cũng cho biết, khảo sát doanh nghiệp trong hội cho thấy có những tín hiệu phục hồi tốt trong năm nay, nhưng hiện doanh nghiệp gặp thách thức với giá vận chuyển hàng hóa còn cao, nguyên vật kiệu tăng, khan hiếm... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang thực hiện chiến lược định vị lại thị trường và chú trọng thị trường nội địa hơn, cũng như đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất ổn định.
Ghi nhận ý kiến doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, một trong những thách thức hiện nay là giá xăng dầu. Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Với những ngành vận tải, logistics... chi phí xăng dầu chiếm từ 35-40% trong cơ cấu gia tăng.
Theo tính toán của doanh nghiệp, khi chỉ số bình quân của mặt hàng xăng dầu tăng lên 1% thì chỉ số tiêu dùng tăng 0,034%. Cụ thể, trong tháng 1/2022 chỉ số giá xăng tăng 2,66% so với tháng 12/2021, trong tháng 2 chỉ số giá xăng tăng 5,77% so với tháng trước đã làm cho chỉ số tiêu dùng tăng 0,2%.
[Kinh tế TP Hồ Chí Minh phục hồi nhanh ngay từ đầu năm 2022]
Để kịp thời có những giải pháp khắc phục khó khăn, đồng thời chủ động khai thác những cơ hội nhằm đạt được kết quả phát triển kinh tế-xã hội cao nhất trong các tháng tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh kịp thời hỗ trợ nguồn lực tạo điều kiện phục hồi và phát triển doanh nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh cần thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa trong việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại; triển khai các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn 3-6 tháng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Về phía đại diện một số sở, ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tuy tình hình dịch vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp với biến chủng mới xuất hiện, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đang từng bước phục hồi và phát triển trong những tháng đầu năm 2022.
Thành phố Hồ Chí Minh đang kiểm soát dịch COVID-19 tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc và lấy lại đà tăng trưởng. Hầu hết sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp tục duy trì thực hiện phòng chống dịch COVID-19 và mở cửa mạnh mẽ nền kinh tế, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bằng đa dạng cơ chế chính sách cụ thể...
Ông Đặng Công Bình, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử DLG Ansen chia sẻ, năm 2021 doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng để duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu nên được đối tác Mỹ, châu Âu tin tưởng và tiếp tục đặt hàng trong năm 2022.
Do đó, lượng đơn hàng của doanh nghiệp đã có nhiều ngay từ những tháng đầu năm với giá trị xuất khẩu đáng khích lệ, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất và công ăn việc làm cho người lao động.
Tuy vậy, dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, một số ngành nghề đối diện với nguy cơ bị gián đoạn sản xuất. Riêng ngành điện tử có một số doanh nghiệp đang phải giải bài toán khan hàng về nguồn cung các loại chip điện tử để không ảnh hưởng đến sản phẩm đầu ra./.