Sản xuất công nghiệp giảm tốc, chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19

Chỉ số công nghiệp 8 tháng cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.
Sản xuất công nghiệp giảm tốc, chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 ảnh 1Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong tháng Tám chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù, chỉ số công nghiệp 8 tháng cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

[TP.HCM: Giảm công suất sản xuất để đảm bảo phòng chống dịch]

Ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.

Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất kim loại tăng 30,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,1%; sản xuất máy móc; dệt và sản xuất giường, tủ, bàn ghế cùng tăng 8,2%...

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 7,6%...

Trong tháng 8/2021, một số địa phương có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như: Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%. Tây Ninh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ giảm từ 25-37%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng như: Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%; Ninh Thuận và Nam Định cùng tăng 14,2%; Quảng Trị tăng 13,7%...

Tổng cục Thống kê cho biết 8 tháng, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so cao với cùng kỳ năm trước như: thép cán tăng 48,3%; linh kiện điện thoại tăng 43,9%; ôtô tăng 27,9%; sắt, thép thô tăng 13,7%...

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 13,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,7%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị giảm 7,6%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 3,6%...

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2021 giảm 5,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,8% và giảm 4,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 5,6% và giảm 9,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6% và giảm 12%.

Để giải quyết bài toán tồn kho, thúc đẩy sản xuất phát triển, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các ngành cần tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước; nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng thu được từ xuất khẩu.

Các ngành cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước triển khai phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử; triển khai, sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại, rà soát các ưu đãi dành cho doanh nghiệp FDI nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước…

Cùng với đó, để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tầu kinh tế cả nước, cũng như dựa trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Huba) và các Hội ngành nghề, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành kế hoạch "Hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh."

Kế hoạch này đặt ra mục tiêu khẩn trương huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh những nơi có nhu cầu, đảm bảo điều kiện an toàn theo tiêu chí của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức theo dõi sát tình hình hoạt động; đồng thời chủ động nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục