Sản xuất '3 tại chỗ' gặp khó, doanh nghiệp đề xuất giải pháp linh hoạt

Các doanh nghiệp đề xuất, bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn; đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.
Bố trí nơi ăn nghỉ cho công nhân Công ty cổ phần Thép Việt Nhật. *Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)
Bố trí nơi ăn nghỉ cho công nhân Công ty cổ phần Thép Việt Nhật. *Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Triển khai 3 tại chỗ là giải pháp giúp doanh nghiệp vừa tiếp tục sản xuất, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hình thức này hiện xảy ra nhiều bất cập khiến doanh nghiệp gặp khó trong triển khai.

Các doanh nghiệp đề xuất, bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn; đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine với người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Linh hoạt điều kiện làm việc

"Tứ bề thọ địch" là cụm từ mà nhiều doanh nghiệp nhắc đến trong thời gian họ phải đối mặt để cố gắng duy trì sản xuất và an toàn trước dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên cả nước, giải pháp "3 tại chỗ" sau một thời gian triển khai cũng bộc lộ những bất cập nhất định, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Y tế đề xuất giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động sản xuất.

Theo các doanh nghiệp chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai "3 tại chỗ" là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp không đủ điều kiện đáp ứng phòng chống dịch, chi phí thực hiện lớn. Ngoài ra, quy định, hướng dẫn của các cơ quan liên quan chưa cụ thể, thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện.

Khi thấy có một số bất cập xảy ra, thay vì tìm giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp, các tỉnh lại ra quy định dừng thực hiện "3 tại chỗ" làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp có đủ điều kiện triển khai.

Liên quan tới câu chuyện này, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty VINA T&T GROUP (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây vào Hoa Kỳ, Canada, Nhật, Australia) cho biết, vùng nguyên liệu đang bị phong tỏa, giãn cách, thiếu hụt lượng lớn lực lượng lao động.

Thời gian làm việc của doanh nghiệp hiện chỉ còn từ 6h sáng đến 18h tối. Trong khi đó bình thường, doanh nghiệp làm việc từ 3h sáng ra vùng nguyên liệu, 6-7h tối là đem sản phẩm thu hoạch về nhà máy, làm đến khoảng 10-12h đêm. Nhà máy bình thường xử lý khoảng 200 tấn trái cây/ngày thì nay chỉ còn 30-40% công suất.

[Linh hoạt các giải pháp hỗ trợ phục hồi sau “3 tại chỗ”]

"Doanh nghiệp mong muốn thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" nhưng được áp dụng thời gian làm việc dài hơn. Các tỉnh cho phép đội ngũ thu hoạch trái cây được bắt đầu làm việc sớm hơn 6h sáng. Nếu thu hoạch muộn, vận chuyển về nhà máy khoảng 8-9h nắng đã lên, nguy cơ hư hại khá cao; đồng thời kiến nghị cho đội ngũ sản xuất về trễ hơn 6h chiều," ông Tùng nói.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam cũng cho biết, hiện việc sản xuất "3 tại chỗ" của doanh nghiệp rất khó khăn, chỉ số ít còn đủ điều kiện để thực hiện. Diện tích nhà xưởng hạn chế, công suất chỉ đạt 30%, bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch.

Theo Cục Công nghiệp, ngoài các quy định về hình thức "3 tại chỗ," "1 cung đường, 2 địa điểm", ý kiến của doanh nghiệp kiến nghị bổ sung các hình thức khác cho doanh nghiệp được lựa chọn. Theo đó, doanh nghiệp cho rằng cần có các quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động được về nhà, có cam kết của doanh nghiệp với địa phương, người lao động với doanh nghiệp, di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh (đảm bảo các biện pháp an toàn tương tự trường hợp F1 tự cách ly tại gia đình và di chuyển theo tuyến cố định, không dừng đỗ dọc đường).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kiến nghị bổ sung quy định cụ thể đối với trường hợp người lao động dừng tham gia "3 tại chỗ" giữa chừng và trở về nơi cư trú để người lao động yên tâm đăng ký tham gia "3 tại chỗ."

Ưu tiên tiêm vaccine

Bên cạnh câu chuyện sản xuất "3 tại chỗ," nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.

Sản xuất '3 tại chỗ' gặp khó, doanh nghiệp đề xuất giải pháp linh hoạt ảnh 1Tiêm vaccine cho công nhân. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, cần có quy trình, thời hạn các cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp trong việc tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác trong doanh nghiệp yên tâm tập trung làm việc.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị bổ sung quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép doanh nghiệp được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh), tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của doanh nghiệp và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, tỷ lệ tiêm vaccine của ngành dệt may Việt Nam hiện còn rất thấp. Điều cần thiết nhất hiện nay là Chính phủ cần đánh giá tình hình thực trạng các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp dệt may ở các địa phương để có chính sách phân bổ vaccine về các phương. Các địa phương cũng cần quan tâm tiêm cho người lao động trong các nhà máy, các khu công nghiệp.

Ngoài ra, điều khiến ông Vũ Đức Giang lo lắng hơn là khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất khôi phục thì doanh nghiệp cũng khó tuyển dụng trở lại, bởi phần lớn lao động hiện đã nghỉ việc về quê. Dự báo, khả năng chỉ đạt được 50-60% lao động, trong khi đơn hàng đã nhận hết quý 4/2021 và quý 1/2022.

Cục Công nghiệp-Bộ Công Thương đề xuất cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí, do doanh nghiệp, cá nhân chi trả dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong nhóm doanh nghiệp, ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu gồm điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...

Bên cạnh đó, bố trí tổ chức tiêm tại chỗ với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có đủ điều kiện về y tế nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tổ chức tiêm phòng cho người lao động; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong triển khai tiêm chủng, khai báo y tế, xét nghiệm... nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tránh việc tập trung đông người gây mất an toàn phòng dịch.

Trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng vaccine để giúp họ sớm tiếp cận trong thời gian ngắn nhất.

Mới đây, xét kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế tổ chức ngay việc đàm phán với đối tác để mua và cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đây là động thái kịp thời của Chính phủ nhằm giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận và tiêm vaccine cho người lao động, an tâm khôi phục sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục