Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 với chủ đề “Kỹ năng nghề - giá trị đích thực của chúng ta” sẽ diễn ra từ 19 đến 29/10 tại Hà Nội.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề Dương Đức Lân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi này.
- Xin Tổng Cục trưởng cho biết về ý nghĩa và quy mô của Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 do Việt Nam đăng cai tổ chức?
Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân: Với thời gian 2 năm/lần, đây là lần thứ 10 Kỳ thi tay nghề ASEAN được tổ chức. Kỳ thi là dịp để chuyên gia, thí sinh tay nghề các nước ASEAN có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2015 trở thành cộng đồng ASEAN. Khi trở thành cộng đồng ASEAN, ASEAN chỉ còn là một trị trường lao động, người lao động có thể làm việc bất kỳ nơi nào trong 10 nước ASEAN. Lúc đó, các nước trong cộng đồng cũng phải công nhận kỹ năng nghề lẫn nhau. Điều đó vô cùng quan trọng khi một thời gian dài, các chuyên gia, thí sinh làm việc với nhau tại các Kỳ thi nghề.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức Kỳ thi tay nghề ASEAN. Năm 2004, Việt Nam đã đăng cai Kỳ thi tay nghề lần thứ 5. Lúc đó chỉ có 14 nghề với 7 nước tham gia. Lần này, quy mô của Kỳ thi lần thứ 10 đã tăng lên với 10 nước tham gia thi 25 nghề (23 nghề chính thức, hai nghề trình diễn). Điều này cho thấy sự cuốn hút của Kỳ thi tay nghề ASEAN.
- Thưa Tổng Cục trưởng, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề ASEAN hiện đang thực hiện như thế nào?
Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân: Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi đang được các cơ quan khẩn trương thực hiện. Ban tổ chức Kỳ thi đã chia thành các tiểu ban chuẩn bị như lễ tân, an ninh, truyền thông. Tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình - nơi tổ chức Kỳ thi, công tác chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương để kịp triển khai theo đúng kế hoạch. Việt Nam đã sẵn sàng cho kỳ thi tay nghề ASEAN tổ chức vào ngày 19/10.
- Nhìn lại các kỳ thi tay nghề trước, thế mạnh của đoàn Việt Nam là gì, thưa Tổng Cục trưởng?
Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân: Đây là lần thứ 10 Kỳ thi tay nghề ASEAN được tổ chức nhưng Việt Nam mới tham gia lần thứ 8, bắt đầu từ năm 2001. Việt Nam đã có hai lần đứng nhất toàn đoàn, hai lần đứng nhì và một số lần đứng thứ ba.
Có thể nói, Việt Nam được các nước trong ASEAN đánh giá cao. Trong những năm đầu tham gia, Việt Nam có thế mạnh về nghề mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, luôn đạt huy chương Vàng nhưng nay đã các nước như Indonesia vượt qua. Hy vọng năm nay sẽ có sự đột phá, giành huy chương Vàng với hai nghề này. Một số nghề khác mà Việt Nam có thế mạnh là điện tử, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn.
Bên cạnh đó, nhiều nghề Việt Nam chưa giành được huy chương trong đấu trường khu vực như chăm sóc sắc đẹp, thiết kế các kiểu tóc, hàn, công nghệ ôtô... Nếu không thi đấu với các nước khác, thí sinh Việt Nam sẽ không thể phát triển, mãi mãi bị lạc hậu. Vì vậy, mỗi kỳ thi là một lần để các chuyên gia và thí sinh của Việt Nam được cọ sát, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, tạo điều kiện ngang tầm với khu vực và quốc tế. Đó là mục tiêu mà Tổng Cục Dạy nghề đặt ra.
- Tổng Cục trưởng có kỳ vọng gì về thành tích của Đoàn Việt Nam tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10?
Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân: Kỳ thi tay nghề ASEAN năm nay được tổ chức tại Hà Nội, vì vậy các thí sinh Việt Nam có được những lợi thế nhất định về địa điểm, khí hậu... Mặc dù vậy, các thí sinh Việt Nam phải hết sức cố gắng, không được chủ quan.
Kỳ thi sẽ có sự tham gia của các nước mạnh như Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan... tuy nhiên, Tổng cục Dạy nghề kỳ vọng Việt Nam sẽ đoạt giải nhất toàn đoàn. Điều này đòi hỏi một sự cố gắng vô cùng lớn của chuyên gia, các thầy cô giáo và thí sinh Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông./.