Sẵn sàng cho cuộc sống “bình thường mới”: Vượt qua giai đoạn khó khăn

Với sự chuẩn chuẩn bị kỹ lưỡng, TP.HCM đang xây dựng các nền tảng vững chắc, an toàn để chuyển sang giai đoạn mới là tổ chức cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới” trong môi trường có COVID-19.
Phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng của Bệnh viện Dã chiến 13, TP.HCM. (Ảnh: TTXVN phát)

Với quan điểm là không thể loại bỏ hoàn toàn COVID-19 ra khỏi cộng đồng, Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị các kế hoạch, chiến lược trong công tác phòng, chống dịch và khôi phục kinh tế với rất giải pháp cụ thể, chắc chắn để từng bước đưa mọi hoạt động kinh tế-xã hội trở lại hoạt động.

Một trong những điều kiện tiên quyết đó là Thành phố Hồ Chí Minh đang “chạy nước rút” để nỗ lực kiểm soát được dịch COVID-19 trước ngày 30/9 cũng như củng cố, phát huy những kết quả đã đạt được trong hơn 100 ngày giãn cách xã hội với các cấp độ khác nhau vừa qua.

Với sự chuẩn chuẩn bị kỹ lưỡng và các bước đi thận trọng, Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng các nền tảng vững chắc, an toàn để chuyển sang giai đoạn mới là tổ chức mọi hoạt động của cuộc sống trong trạng thái “bình thường mới” trong môi trường có COVID-19.

Vượt qua giai đoạn khó khăn

Dịch COVID-19 bùng phát đợt thứ 4 kéo dài tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến cho cuộc sống bị xáo trộn, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân.

Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung bước vào một cuộc chiến chưa có tiền lệ, với một đối thủ vô hình-virus SAR-CoV-2, đặc biệt là biến chủng Delta gây ra. Khó có thể chuẩn bị những kế hoạch, kịch bản cho tình huống dịch bệnh phức tạp như vừa qua với những diễn biến rất khó lường.

Nhiều mất mát, thiệt hại vượt ngoài sức tưởng tượng

Từ một vài ca lác đác trong tháng 4/2021, đến cuối tháng Sáu và đầu tháng Bảy vừa qua, số ca mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tăng phi mã với hàng trăm, rồi lên đến hàng ngàn ca mỗi ngày.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 27/4 đến ngày 20/9, số ca mắc COVID-19 ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố là hơn 342.000 người, là địa phương có số ca nhiễm lớn nhất, chiếm gần 50% số ca của cả nước. Đáng buồn hơn, số người tử vong cũng đã lên đến hơn 13.600 người, một mất mát rất lớn, đặc biệt theo thống kê sơ bộ, Thành phố có hơn 1.500 trẻ em đã chịu cảnh mồ côi cha mẹ do dịch COVID-19.

Số ca nhiễm bất ngờ tăng cao đột biết, vượt mọi dự liệu, tính toán đã khiến cho công tác phòng, chống dịch không theo kịp, xuất hiện nhiều lúng túng, bất cập. Các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch COVID-19 phải liên tục thay đổi, đặc biệt là trong công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly, thu dung điều trị cũng như công tác an sinh xã hội.

[Phòng, chống dịch COVID-19: Càng trong gian khó, càng thêm vững vàng]

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân của tình trạng trên ngoài yếu tố do biến chủng Delta rất nguy hiểm, lây lan nhanh, còn do dịch đã ngấm sâu vào cộng đồng trong thời gian dài. Đã có những thời điểm, nhất là trong thời gian nửa đầu tháng Bảy vừa qua, công tác thu dung điều trị F0 tại thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều F0 chưa được tiếp nhận, điều trị, hỗ trợ y tế kịp thời. Nguồn nhân lực, trang thiết bị, xe cứu thương vận chuyện bệnh nhân còn thiếu, công tác phối hợp, điều phối bênh nhân còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.

Kịch bản ứng phó cũng liên tục phải thay đổi liên tục, từ chỗ chuẩn bị cho 15.000 ca bệnh ban đầu từ đầu tháng Bảy vừa qua, đến giữa tháng con số này đã nâng lên hơn 50.000 và tiếp đó là 100.000 ca bệnh. Cùng với đó là thay đổi, phân tầng điều trị từ 3 tầng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thay đổi mô hình tháp 4 rồi lên 5 tầng theo tình hình thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với tình hình dịch tễ, ghi nhận có tới 80% số ca nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, từ ngày 16/8 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh được thí điểm triển khai mô hình chăm sóc F0 tại nhà.

Dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của Thành phố. Hàng triệu gia đình và người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống xáo trộn, cần hỗ trợ về các nhu yếu phẩm, chi phí trang trải cuộc sống hàng ngày. Theo số liệu tổng hợp mới nhất từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho đợt hỗ trợ lần thứ 3, hiện toàn Thành phố có hơn 7,5 triệu người cần được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2022 Vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 15/9 vừa qua, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội của Thành phố.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ước tính giảm 2,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%).”

"Chỉ số sản xuất công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,6%, thu hút vốn FDI giảm hơn 43%, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 30%, 3.000 doanh nghiệp giải thể, 12.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Thu ngân sách chỉ đạt 70% dự toán, bình thường Thành phố thu 1.400 tỷ đồng/ngày, đến tháng Tám vừa qua, con số này chỉ còn khoảng 800 tỷ đồng và hiện tiếp tục xu hướng giảm," ông Võ Văn Hoan cho biết thêm

Ghi nhận thực tế tại Thành phố cũng cho thấy, từ tháng 7/2021 đến nay, kinh tế địa phương ghi nhận sự tổn thương nghiêm trọng với các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ (chiếm lần lượt xấp xỉ 25% và 62% GRDP của Thành phố), tình hình trong tháng 8 đã xấu đi rất nhiều.

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng dịch bệnh kéo dài làm cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị thương mại dịch vụ gặp nhiều khó khăn do tạm ngừng hoạt động theo Chỉ thị 16, đồng thời thu nhập của người dân trong thời gian này giảm và sức mua thấp, chủ yếu người dân chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu.

Khu vực phong tỏa tại đường Lê Vãn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

“Hoạt động du lịch lữ hành tiếp tục không phát sinh doanh thu trong tháng Tám vừa qua. Đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, liên tục nhiều tháng các đơn vị phải tạm ngừng hoạt động khi tình hình dịch COVID-19 trong nước và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp,” đại diện Cục Thống kê Thành phố đánh giá.

Có thể nói, cùng với những thiệt hại có thể đong đếm được, rất nhiều ảnh hưởng, hậu quả của dịch COVID-19 để lại không thể liệt kê được, nhất là những vấn đề về tinh thần, di chứng về sức khỏe người từng mắc bệnh về thể chất, tâm lý của người dân. Có lẽ, điều này phải mất một thời gian dài mới khắc phục được.

Củng cố đội hình, vượt qua khó khăn

Hơn 100 ngày qua, cả hệ thống chính trị và người dân, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cùng với các lực lượng chi viện, chia sẻ của đồng bào cả nước đã chung sức, đồng lòng thực hiện những giải pháp giãn cách một cách triệt để nhất, chưa từng có trong lịch sử của Thành phố.

Về công tác điều trị, từ những lúng tung ban đầu, đến nay tình hình tổ chức hệ thống các tầng bệnh viện điều trị có chiều hướng tốt hơn, Thành phố đã hoàn thiện mô hình tháp 3 tầng, hiện nay đã có 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức cấp cứu với quy mô gần 4.600 giường hồi sức và 81 bệnh viện tầng 2 với 60.400 giường bệnh. Đồng thời cập nhật nhiều thuốc điều trị mới vào phác đồ điều trị cho các F0 như thuốc kháng virus, thuốc kháng viêm, kháng đông.

Được sự hỗ trợ về lực lượng từ các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành bạn, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập hơn 510 trạm y tế lưu động, bổ sung, tăng cường phương tiện, máy thở oxy, túi thuốc điều trị, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu điều trị tại cộng đồng, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tính đến nay, nhân lực tham gia phòng, chống dịch tại Thành phố có trên 177.300 người, Thành phố đã tiếp nhận trên 24.000 người từ các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành khác tăng cường, hỗ trợ. Thành phố đã cử 312 tổ công tác với trên 1.300 cán bộ, công chức, viên chức xuống tăng cường, hỗ trợ thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phòng, chống dịch, trong đó lực lượng chủ yếu là lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành Thành phố. Lực lượng cơ sở, đội ngũ y bác sỹ của thành phố “căng mình” nhiều tháng qua để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Cùng với đó, các đợt hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được Thành phố triển khai với tổng kinh phí hơn 6.500 tỷ đồng. Gần 2 triệu túi an sinh đã được cấp phát cho các đối tượng khó khăn, góp phần đảm bảo các nhu yếu phẩm cho người dân trong điều kiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Cùng với đó, sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân thành phố và khắp cả nước cả về vật chất và tinh thần với nguồn kinh phí rất lớn, không thể đong đếm được để chăm lo cho các đối tượng khó khăn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong điều kiện dịch bệnh, ngành Giáo dục Thành phố cũng đã triển khai công tác khai giảng năm học mới 2021-2022, tổ chức dạy và học trực tuyến với sự tham gia của 80.000 cán bộ, giáo viên và hơn 1,7 triệu học sinh các cấp.

Học sinh lớp 1 (năm học 2021-2022) trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm làm quen với việc học trực tuyến. (Ảnh: TTXVN phát)

"Thành phố thực hiện giãn cách xã hội như một biện pháp tất yếu để khống chế dịch bệnh, điều này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các mặt đời sống xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục. Học sinh phải bắt đầu năm học mới qua không gian mạng, phát thanh, truyền hình và tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch bệnh, góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội,” ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ dịp khai giảng năm học của ngành Giáo dục Thành phố.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều phong trào tình nguyện cũng được khởi xướng, triển khai không chỉ ở các cơ quan Nhà nước, đoàn thể mà lan tỏa ra rất nhiều tầng lớp nhân dân, không phân biệt tôn giáo, dân tộc. Từ đó, hàng ngàn tình nguyện viên các giới, các ngành đã xung phong, tình nguyện tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch; đặc biệt, có rất nhiều F0 sau khi điều trị khỏi bệnh đã tình nguyện ở lại tham gia công tác điều trị, hỗ trợ các bệnh nhân và các bệnh viện điều trị COVID-19.

“Thời điểm này, có thể nói đây là công việc rất nguy hiểm khi phải tiếp xúc với nhiều người bệnh, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao. Thế nhưng, nếu ai cũng có tâm lý sợ hãi thì ai sẽ giúp đỡ những người dân đang khó khăn khắp thành phố. Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm và động viên các tình nguyện viên cùng chung tay hỗ trợ cho người dân,” anh Luk Ban La, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh Thủ Đức, một tổ chức thiện nguyện ra đời những ngày đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Hàng loạt mô hình hỗ trợ công tác an sinh xã hội, y tế cũng đã được hình thành, kịp thời giúp cho nhiều gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội. Những mô hình rất nhân văn như ATM gạo, ATM thuốc, ATM oxy, ATM F0 đến mô hình siêu thị, gian hàng, bếp ăn “0 đồng” xuất hiện tại nhiều nơi từ nội thành đến ngoại thành của thành phố.

Tham gia khánh thành một trạm ATM oxy vào đầu tháng Chín vừa qua tại thành phố Thủ Đức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ, các mô hình ATM của Hiệp hội doanh nghiệp trẻ, Đoàn thanh niên cùng nhiều tập thể, cá nhân phát minh ra đã định hình lại khái niệm ATM, không còn là tên một loại máy mà trở thành một hành động hỗ trợ lẫn nhau đầy tình người.

Và cùng với đó, hàng triệu con người, hàng trăm ngàn doanh nghiệp cũng đã đồng cam cộng khổ, chung sức để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nhất là khi Thành phố tăng cường nhiều biện pháp để kiểm soát dịch với tinh thần “ai ở đây, ở yên đó.”

“Những ngày qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã kiên cường dũng cảm, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng để từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Những kết quả có được ngày hôm nay là từ sự hy sinh to lớn của nhiều lực lượng,” Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục