Sản phẩm OCOP quốc gia: Chú trọng xây dựng thương hiệu

Hiện nay, tại 63/63 địa phương trên cả nước đều triển khai các vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sản xuất hữu cơ.
Gian trưng bày sản phẩm OCOP của Sơn La tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022. (Ảnh: Quang Quyết-TTXVN)

Sau thời gian phát triển rộng khắp cả nước, Chương trình OCOP "chững" lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đến nay, Chương trình đang trong giai đoạn hồi phục sản xuất, các địa phương lại tiếp tục thực hiện mục tiêu mở rộng thêm nhiều sản phẩm OCOP độc đáo, lợi thế của địa phương để triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.

Hình thành vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất an toàn sinh học

Hiện nay, tại 63/63 địa phương trên cả nước đều triển khai các vùng nguyên liệu tập trung, hướng tới sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sản xuất hữu cơ nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc thù địa phương.

Nhiều địa phương tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị chuyển đổi loại hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, gia đình, tổ hợp tác, sang thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã; tổ chức, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu, xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm,” thời gian qua, các địa phương tùy theo lợi thế đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, thương hiệu riêng từng vùng miền, mở ra cơ hội phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ tổ chức sản xuất, liên kết xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp-nông thôn theo hướng bền vững.

[Thành phố Hồ Chí Minh tăng chất lượng cho sản phẩm OCOP]

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP, các địa phương phải có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo nguồn cung sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Có thể nói, triển khai Chương trình OCOP, các địa phương đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu gắn với các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền, với các tiêu chí về nguồn gốc, tính bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn và mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp-nông thôn theo hướng bền vững.

Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao.

Đối với những sản phẩm đặc thù địa phương, việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP được nhiều địa phương quan tâm đầu tư với mục tiêu kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo nền tảng để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương -Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết thời gian qua, mỗi địa phương đều có chính sách riêng trong thúc đẩy phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc thù, đặc biệt là phát triển sản phẩm OCOP...

Bên cạnh đó, các địa phương cũng khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và chương trình OCOP trong đầu tư, đổi mới trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Trong ảnh: Mật ong và miến là sản phẩm OCOP của huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đặc biệt, nhiều địa phương đã hỗ trợ tới 50% chi phí mua vật tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính và các thiết bị tự động hóa... phục vụ quá trình sản xuất; hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm và bảo vệ môi trường... đẩy mạnh giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển các tổ chức sản xuất để nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm OCOP địa phương.

Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường liên kết vùng, mở rộng diện tích các vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm theo lợi thế, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của từng điạ phương, phấn đấu tăng các sản phẩm OCOP đạt 5 sao trong thời gian tới. Đồng thời, chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, đây là mục tiêu các địa phương hướng tới trong phát triển sản phẩm OCOP.

Sở hữu trí tuệ - đòn bẩy gia tăng giá trị sản phẩm

Triển khai Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã hướng tới việc chuẩn hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu sáng công nghiệp cho các sản phẩm và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.

Một số địa phương đã chú trọng phát triển sản phẩm OCOP song song với xây dựng nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp áp dụng hệ thống tiêu chuẩn VietGAP, Global Gap, HACCP... cho các sản phẩm chương trình OCOP.

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, đến nay, nhiều địa phương đã chú trọng đến sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP, triển khai hỗ trợ áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất, trong đó có sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, các địa phương cũng chú trọng xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP hướng tới bền vững, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ trong hoàn thiện mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu...

Trong quá trình thực hiện Chương trình, để sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ trong nước và hướng tới xuất khẩu thì sở hữu trí tuệ phải được chú trọng để khẳng định chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và phát triển bền vững.

Trong quá trình sản xuất, giá cả là yếu tố cạnh tranh đối với các sản phẩm tương đồng trên thị trường, bên cạnh đó yếu tố thương hiệu, chỉ dẫn địa lý tạo ra sản phẩm đặc trưng... lại nâng tầm sản phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh.

Mặt khác, phần "then chốt" trong thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản phẩm OCOP là việc khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm; phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo hệ thống phân phối hiệu quả.

Đồng thời, lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm OCOP được cấp chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, có tiềm năng, lợi thế vùng để tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành lớn tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... nhằm khảo sát thị trường, tạo cơ hội cho các chủ thể thực hiện sản phẩm OCOP tiếp xúc, đàm phán với đối tác, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với việc thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, các sản phẩm OCOP được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt cùng với sự hỗ trợ của các địa phương, các cấp, ngành cùng chung tay triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục