Sản phẩm dệt may làm từ nguyên liệu gỗ, thân thiện môi trường ở Seoul

Giờ đây, tiêu dùng xanh không còn là những mỹ từ trên giấy, người Hàn đã luật hóa và đưa khái niệm này trở thành hiện thực bằng sản phẩm may mặc thân thiện với môi trường được làm từ nguyên liệu gỗ.
Gian hàng trưng bày sản phẩm dệt may thân thiện môi trường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cuối tháng 8/2017, phóng viên VietnamPlus tham gia đoàn nhà báo quốc tế đến Seoul theo lời mời của Liên đoàn công nghiệp dệt may Hàn Quốc và Công ty AVING để tìm hiểu về xu thế phát triển dệt may thân thiện với môi trường, trong đó Hàn Quốc và nhiều quốc gia đang lĩnh ấn tiên phong, đó là “Tăng trưởng xanh.”

Giờ đây, tăng trưởng xanh không còn là những mỹ từ trên giấy, người Hàn đã luật hóa và đưa khái niệm này trở thành hiện thực bằng sản phẩm may mặc. Một nền dệt may thân thiện môi trường đang thực sự chuyển động giữa thủ đô Seoul hoa lệ.


Triển lãm dệt may lớn nhất thời đại

10 giờ sáng 28/8, đúng ngày đầu tiên Seoul tổ chức Hội chợ triển lãm dệt may quốc tế lần thứ 17, chúng tôi có mặt tại Trung tâm triển lãm Coex - trung tâm hội nghị và triển lãm lớn nhất Hàn Quốc. Một bầu không khí vui nhộn, rực rỡ sắc màu.

Hàng ngàn người tham dự lễ cắt băng khai mạc triển lãm, lần lượt lướt qua các gian hàng trưng bày quần áo, máy móc, phụ kiện dệt may thân thiện với môi trường được mong đợi nhất từ trước tới nay.

Hơn chục êkip phóng viên truyền hình máy móc lỉnh kỉnh theo sát quay chụp, những cuộc phỏng vấn chớp nhoáng “quy mô triển lãm năm nay thế nào? bao nhiêu doanh nghiệp tham dự? sản phẩm dệt may có gì đặc biệt?”…được livestream lên facebook, phát sóng liên tục trên truyền hình.

Tất cả thể hiện sự quan tâm lớn của truyền thông, của người dân Seoul và du khách quốc tế về các sản phẩm dệt may và thời trang thân thiện với môi trường. Đây được coi là xu hướng tiêu dùng xanh bình đẳng nhất trong hưởng thụ bởi cả người giàu lẫn dân nghèo đều có quyền lựa chọn, mặc vào và cởi ra mỗi ngày.

[Việt Nam-Hàn Quốc hợp tác xây dựng gian hàng triển lãm dệt may quốc tế]

Người phụ trách truyền thông Hội chợ triển lãm dệt may quốc tế “Preview in Seoul,” ông Kwang Hee Yoon, dường như cũng bận rộn tiếp đón, trả lời phỏng vấn cánh báo chí bằng cả tiếng Anh và tiếng Hàn do sự kiện được tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với nhiều sản phẩm mới lạ.

Ông Kwang Hee Yoon cho biết: Triển lãm dệt may quốc tế năm 2017 diễn ra từ ngày 28 đến 30/8, tại Trung tâm triển lãm Coex là triển lãm lớn nhất thời đại. Tại đây có 655 gian hàng trưng bày sản phẩm, nguyên liệu, phụ kiện dệt may và các loại máy in kỹ thuật số tích hợp tốc độ cao của 388 công ty đến từ các nước trên thế giới. Trong đó, có 480 gian hàng dệt may của 257 công ty trong nước.

Các công ty chuyên về dệt may đã mang đến Hội chợ triển lãm các sản phẩm thân thiện với môi trường, thiết kế sáng tạo, tinh tế làm “mãn nhãn” khách tham quan. Đơn cử như Công ty Raphila giới thiệu sợi polypropylene và vải, đó là “giấc mơ vải” cho việc sử dụng y tế. Hay như Công ty KayJune mang tới hữu cơ bông...

Ông Kwang Hee Yoon cũng tuyên bố “Preview in Seoul 2017” là một cuộc triển lãm về hàng dệt và thời trang độc đáo nhất từ trước tới nay. Preview in Seoul cũng là “sân chơi” để mọi người có thể gặp phải tất cả các vật liệu, mẫu đồ thời trang phù hợp nhất.

Trong khuôn khổ triển lãm cũng có những sự kiện thú vị như trình diễn thời trang với sự góp mặt của các nhà thiết kế và dàn người mẫu nổi tiếng trên thế giới; hội thảo chia sẻ thông tin dệt may; hội chợ việc làm bằng cách mời người mua trong và ngoài nước có ảnh hưởng và tổ chức các cuộc họp trao đổi kinh doanh.

Triển lãm dệt may quốc tế lớn nhất thời đại tại Seoul

Dệt may “thăng hoa” từ nguyên liệu gỗ

Chúng tôi tới Seoul đúng vào những ngày tiết trời đang chuyển sang Thu. Cái cảm giác se lạnh như càng “kích thích” du khách lân lê tận mục sở thị Hội chợ triển lãm dệt may toàn cầu năm 2017.

Tại triển lãm, du khách đã chứng kiến “bức tranh” Công nghiệp 4.0, đó là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu công nghệ sản xuất của ngành dệt may và thời trang, với hàng chục loại thiết bị, máy móc tiên tiến nhất trên thế giới.

Chỉ trong vòng vài giây, những cố máy in kỹ thuật số tích hợp tốc độ cao có thể in hình hoa văn, họa tiết lên, phông chữ lên hàng chục chiếc áo, hay những tấm vải lớn. Các mẫu hình được in tự động đúng quy chuẩn, qua đó giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực.

Đặc biệt, lần đầu tiên những bộ quần áo được sản xuất theo công nghệ môi trường (lấy nguyên liệu tự nhiên từ thân gỗ) đã thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan. Khi sản xuất, người ta nghiền nhỏ nhiều lần nguyên liệu trên thành bột mịn, sau đó xe thành sợi dệt, làm đầu vào cho ngành sản xuất dệt và nhuộm.

Sợi vải làm từ nguyên liệu gỗ hoàn toàn có khả năng phân hủy trong đất và không gây ô nhiễm môi trường. Khi mặc những mẫu đồ làm từ nguyên liệu gỗ này sẽ làm sạch mồ hôi và không gây dị ứng đến làn da.

[Cận cảnh các mặt hàng dệt may tại triển lãm quốc tế Seoul

Kỳ thực là, dạo quanh các gian hàng tại triển lãm, chúng tôi đã chứng kiến hàng chục mẫu sản phẩm như vải, sợi, quần, áo, mũ, tất…được làm từ nguyên liệu gỗ, đặc biệt gỗ tre. Nói là gỗ, nhưng chất vải cũng không kém phần mềm, mịn, chẳng khác nào bông lụa.

Tuy vậy, giá của những sản phẩm, bộ quần áo làm từ nguyên liệu gỗ này cũng khá cao, khoảng từ 70.000 đến 150.000 won (tương đương 1,7 đến gần 3,8 triệu đồng) tùy theo mẫu sản phẩm. Tại Hàn Quốc, phần lớn sản phẩm này đều hướng đến đối tượng sử dụng chính là trẻ em.

“Tất nhiên, sản phẩm này cũng mới được sản xuất và bày bán tại thị trường Hàn Quốc,” ông Kwang Hee Yoon, người phụ trách truyền thông Hội chợ triển lãm dệt may quốc tế lần thứ 17 diễn ra tại Trung tâm triển lãm Coex, chia sẻ.

Ông Kwang Hee Yoon cũng khẳng định, sản phẩm dệt may làm từ nguyên liệu gỗ là sự lựa chọn tin cậy của người tiêu dùng. Ông cũng tin tưởng, những mẫu sản phẩm thân thiện với môi trường này trong tương lai sẽ được đầu tư, phát triển tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

“Ngoài sản phẩm dệt may làm từ nguyên liệu gỗ, các gian hàng trưng bày sản phẩm dệt may năm nay cũng khá đa đa dạng về mẫu mã và phụ kiện đi kèm, trong đó có nhiều sản phẩm đã được các doanh nghiệp hợp tác đầu tư phát triển tại Hàn Quốc,” ông Kwang Hee Yoon nhấn mạnh.

Người phụ trách truyền thông Hội chợ triển lãm dệt may quốc tế Seoul cũng cho biết, tại triển lãm, các nhà quản lý của các thương hiệu thời trang toàn cầu như DKNY, Burberry, Michael Kors, 32 Degree, Perry Ellis, Ninewest, G-III, Weather Proof…đã ghé thăm, trao đổi thông tin để tính đến việc hợp tác phát triển../.

Sản phẩm dệt may làm từ nguyên liệu gỗ, thân thiện môi trường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục