Sản lượng vận chuyển hành khách xe buýt tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục sụt giảm trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn đầu năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhằm giải quyết vấn đề này, mới đây Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất tăng thêm 161 tỷ đồng chi ngân sách trợ giá cho hoạt động xe buýt, dù giá nhiên liệu thời gian qua đã giảm mạnh.
Liên tục sụt giảm
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2014-2018, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt liên tục giảm sản lượng, bình quân giảm 6,65%/năm.
Năm 2019, sản lượng khách hệ thống xe buýt chỉ đạt khoảng 255 triệu lượt hành khách, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt hành khách so với năm 2018.
Dù ngành giao thông có nhiều nỗ lực trong việc thu hút người dân sử dụng xe buýt, tuy nhiên với nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, khiến mục tiêu này chưa được như kỳ vọng.
Lý do đầu tiên là cơ sở hạ tầng thiếu, bố trí chưa hợp lý, không thuận lợi cho việc sắp xếp các tuyến xe buýt kết nối.
Thành phố hiện có khoảng 70% tuyến đường bề rộng dưới 5m, dẫn đến khó tổ chức cho người dân tiếp cận trạm xe buýt có bán kính nhỏ.
Cùng với đó, sự phát triển của xe ứng dụng công nghệ đã cạnh tranh trực tiếp với xe buýt nhờ sự tiện lợi, cơ động và giá thành gần với chi phí đi xe buýt.
[Hành khách mua vé tháng xe buýt không phải thanh toán tiền mặt]
Nếu năm 2016, hành khách đi xe công nghệ chỉ có 20,8 triệu lượt thì đến năm 2019, con số này đã tăng lên hơn 191 triệu lượt, tác động không nhỏ đến thói quen đi lại của người dân.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông Vận tải), sự phát triển của dịch vụ xe công nghệ ngày càng tăng, có nhiều chương trình ưu đãi cho khách nên thu hút nhiều hành khách sử dụng, hành khách có xu hướng sử dụng dịch vụ này cho các chuyến đi có cự ly ngắn.
Ngoài ra, vẫn còn khoảng 33% tổng số phương tiện có niên hạn sử dụng trên 10 năm, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng và tâm lý người đi xe buýt thành phố.
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, sản lượng hành khách đi xe buýt tiếp tục sụt giảm mạnh.
Trước đó, trong đó giai đoạn từ ngày 3/2 đến 31/3, số chuyến thực hiện giảm khoảng 20-70% so với kế hoạch theo biểu đồ thời điểm bình thường và thực hiện biện pháp an toàn phòng chống dịch.
Giai đoạn từ 1/4-3/5, hệ thống xe buýt thành phố tạm ngưng hoạt động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn từ 4-10/5, bắt đầu phục hồi hoạt động xe buýt, nhưng do một số hoạt động xã hội khác tiếp tục tạm dừng, nên nhu cầu đi lại chưa cao, Sở Giao thông Vận tải chỉ khôi phục hoạt động 55 tuyến xe buýt có trợ giá với số chuyến bình quân bằng 50% kế hoạch ngày thường.
Riêng từ sau thời gian giãn cách xã hội đến nay, khối lượng vận chuyển hành khách công cộng giảm mạnh, trong đó các tuyến xe có trợ giá bình quân xe chở 22 hành khách. Đối với xe buýt không trợ giá trung bình một xe chỉ chở 13 hành khách.
Sở Giao thông Vận tải cho biết từ ngày 11/5 đến 30/6, đã khôi phục hoạt động của 94 tuyến xe buýt có trợ giá với số chuyến hoạt động bình quân tối thiểu bằng 80% kế hoạch ngày thường. Đồng thời, ngưng trợ giá 2 tuyến xe buýt số 13 và 94.
Dự kiến từ 1/7, nhu cầu đi lại của người dân ổn định trở lại và thực hiện việc rà soát điều chỉnh số chuyến cho phù hợp với nhu cầu và đặc thù của từng tuyến, tiếp tục xem xét, công bố tạm ngưng hoạt động 2 tuyến số 2 và 144 theo kế hoạch rà soát mạng lưới tuyến của Sở.
Về tình hình hoạt động trong những ngày gần đây, ông Nguyễn Đức Trị, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, cho biết từ ngày 11/5-24/5, khối lượng vận chuyển hành khách công cộng thực hiện đạt hơn 6,74 triệu lượt hành khách, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019
Trong số đó, riêng 94 tuyến xe buýt có trợ giá thực hiện 169.335 chuyến, vận chuyển được 3,9 triệu lượt hành khách; so với cùng kỳ năm 2019, số tuyến giảm 6%, số chuyến giảm 23% và sản lượng thực hiện giảm 39%.
Tăng trợ giá
Năm 2018 và 2019, mức trợ giá xe buýt tại Thành phố Hồ Chí Minh trung bình khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2020, tổng dự toán chi ngân sách nhà nước cho trợ giá cho xe buýt là 1.150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19, Sở Giao thông Vận tải đã cập nhật lại thực tế và đề xuất tăng mức trợ giá trong năm 2020 để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Trị, mặc dù đã phục hồi hoạt động trở lại, tuy nhiên nhu cầu đi lại của một số tuyến chưa cao, nên hoạt động của xe buýt cũng chỉ mới phục hồi hoạt động khoảng 80% so với kế hoạch. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải trong việc sắp xếp nhận sự, phương tiện.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết trong thời gian phải tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch, doanh thu không phát sinh, nhưng các khoản chi phí cố định vẫn phải chi trả như khấu hao phương tiện (hoặc trả nợ gốc), chi phí lãi vay đầu tư phương tiện, chi phí duy trì nhân công lái xe, nhân viên bán vé và các khoản bảo hiểm, chi phí quản lý của đơn vị vận tải…
Điều này tác động rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải. Các đơn vị vận tải cũng đã báo cáo và kiến nghị Trung tâm và Sở Giao thông Vận tải xem xét hỗ trợ.
Trên cơ sở đó, ngày 22/5 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng ký văn bản gửi Sở Tài chính đề xuất tăng thêm 161 tỷ đồng trợ giá xe buýt so với dự toán, để nâng mức trợ giá xe buýt 2020 lên hơn 1.311 tỷ đồng.
Giải thích nguyên nhân cho đề xuất này, Sở Giao thông Vận tải cho biết, Sở đã cập nhật lại thông số hoạt động trên từng tuyến với tổng cự ly hành trình tăng 1.136.277km, từ 97.020.000km (Sở Tài chính thẩm định) thành 98.156.277km (được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cập nhật thực tế), phát sinh thêm hơn 29,4 tỷ đồng.
Cùng với đó, cập nhật chi phí chênh lệch nhiên liệu do giá nhiên liệu thay đổi theo xu hướng giảm, làm chi phí giảm hơn 78,5 tỷ đồng; hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tạm ngưng hoạt động 22,5 tỷ đồng; cập nhật dự phòng phí giảm 78 tỷ đồng…
Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị hạ thấp tỷ lệ hành khách/chuyến.
Sản lượng dự kiến đặt hàng, đấu thầu năm 2020 với mức bình quân đạt khoảng 32,67 hành khách/ chuyến, thay vì 44,5 hành khách/ chuyến theo thẩm định dự toán của Sở Tài chính, để phù hợp với tình hình ảnh hưởng dịch bệnh.
Do đó, tổng doanh thu đặt hàng, đấu thầu trên các tuyến xe buýt có trợ giá năm 2020 bị giảm hơn 271 tỷ đồng so với doanh thu Sở Tài chính thẩm định. Sau khi cân đối, cập nhật tăng giảm kinh phí, Sở Giao thông Vận tải đề xuất tăng trợ giá thêm 161 tỷ đồng cho năm 2020.
Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải, nếu dự toán chi ngân sách nhà nước lĩnh vực trợ giá xe buýt năm 2020 vẫn giữ nguyên là 1.150 tỷ đồng thì hệ thống xe buýt chỉ đáp ứng hoạt động được đến khoảng giữa tháng 11/2020. Hoặc, phải giảm xuống còn 85% số chuyến theo kế hoạch từ 1/7 đến 31/12, giai đoạn dự kiến nhu cầu đi lại ổn định.
Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải cũng nhận định nếu sử dụng phương án giảm số chuyến sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi lại của người dân do thời gian chờ xe buýt lâu hơn hoặc sẽ chuyển nhiều tuyến.
Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ tính liên thông và mạng lưới tuyến ngày càng làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân cũng như tác động đến hoạt động của các tuyến xe buýt còn lại./.