Bộ Năng lượng Nga cho biết sản lượng dầu mỏ của nước này trong tháng 3/2015 đã chạm mức cao nhất trong thời kỳ hậu Xôviết, khi đạt mức bình quân 10,71 triệu thùng/ngày, tăng 0,6% so với tháng 2/2015, nhờ sản lượng của Gazprom và Rosneft tăng cao hơn trước.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu mỏ của Nga đã đạt mức kỷ lục 11,41 triệu thùng/ngày vào năm 1988, thời điểm Nga vẫn thuộc Liên bang Xôviết cũ và đóng góp 90% sản lượng dầu mỏ của liên bang này.
Vào năm 1991, trong những ngày cuối cùng của Liên bang Xôviết, sản lượng dầu mỏ của Nga đã giảm 19% so với năm 1988 xuống 9,24 triệu thùng/ngày.
Nhiều nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm này cộng thêm tình trạng đi xuống của giá dầu đã góp phần gây ra sự sụp đổ của Liên Xô.
Năm 1996, thời điểm ông Boris Yeltsin tái đắc cử Tổng thống Nga, hoạt động sản xuất dầu mỏ của Nga đã trải qua ba năm đình đốn, do tình trạng thiếu đầu tư và nhu cầu tăng chậm.
Đến năm 2008, sản lượng dầu mỏ của Nga giảm khoảng 1% xuống 9,8 triệu thùng/ngày, mức giảm đầu tiên trong một thập niên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động tiêu cực đến giá “vàng đen.”
Tháng 9/2009, sản lượng dầu mỏ của xứ Bạch Dương đã lần đầu tiên vượt trên 10 triệu thùng dầu/ngày kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Đến năm 2010, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, với nhiều mỏ dầu mới được đưa vào khai thác.
Xuất khẩu dầu thô của Nga dự kiến sẽ tăng thêm 3 triệu tấn ngày trong năm 2015, so với con số 224 triệu tấn của năm 2014./.