Sản lượng dầu của Nga sụt giảm trong tháng đầu năm 2019

Thống kê của Bộ Năng lượng Nga cho biết sản lượng dầu mỏ của nước này giảm xuống còn 11,38 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2019, tức là giảm khoảng 35.000 thùng mỗi ngày so với mức của tháng 10/2018.
Sản lượng dầu của Nga sụt giảm trong tháng đầu năm 2019 ảnh 1Một mỏ khai thác dầu của Rosneft. (Nguồn: Bloomberg)

Thống kê của Bộ Năng lượng Nga cho biết sản lượng dầu mỏ của nước này giảm xuống còn 11,38 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2019, tức là giảm khoảng 35.000 thùng mỗi ngày so với mức của tháng 10/2018 (mốc tính theo thoả thuận toàn cầu).

Như vậy, mức cắt giảm này không đạt được mục tiêu mà thoả thuận của các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt đã đặt ra.

Con số sản lượng này thấp hơn mức 11,45 triệu thùng/ngày của tháng 12, vốn là mức cao kỷ lục tính theo tháng. Tính theo trọng lượng, sản lượng dầu tháng 1/2019 đạt 48,113 triệu tấn, trong khi tháng 12/2018 là 48,442 triệu tấn.

Xuất khẩu dầu qua hệ thống đường ống dẫn dầu của Nga giảm xuống 4,313 triệu thùng/ngày trong tháng Một, so với mức 4,496 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2018.

[Rosneft đóng góp đáng kể vào sản lượng dầu kỷ lục của Nga]

Rosneft, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới tính theo sản lượng, cắt giảm sản xuất 0,1% trong tháng trước so với tháng 12/2018, trong khi nhà sản xuất lớn thứ nhì của Nga Lukoil cắt giảm 0,8%.

Trong khi đó, sản xuất tại Gazprom Neft, chi nhánh sản xuất dầu của công ty gas khổng lồ Gazprom, lại tăng 0,1%.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết tổng sản lượng dầu được cắt giảm trong tháng Một là khoảng 50.000 thùng/ngày, so với mốc tháng 10.

Tháng 12/2018, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới đã thoả thuận sẽ cắt giảm tổng cộng 1,2 triệu thùng dầu/ngày trong nửa đầu năm 2019 để hỗ trợ giá dầu và cân bằng cung cầu thị trường. Trong số này, Nga đã cam kết giảm sản lượng khoảng 230.000 thùng/ngày trong quý 1/2019.

Bộ trưởng Novak cũng cho hay, Nga không thể cắt giảm mạnh được sản lượng do những hạn chế về kỹ thuật nhưng sẽ nỗ lực cắt giảm nhanh hơn nữa.

Việc cắt giảm sản lượng chậm chạp của Nga đã vấp phải sự chỉ trích của Saudi Arabia, nước sản xuất dầu hàng đầu trong OPEC.

Các quan chức và chuyên gia Nga cho biết, cắt giảm sản lượng là một thách thức vì khí hậu mùa Đông khắc nghiệt của Nga có thể khiến các giếng dầu bị đóng băng.

Theo điều tra của Reuters, cung dầu của OPEC đã giảm trong tháng 1/2019 và mức giảm này là cao nhất trong vòng hai năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục