Sau một tháng phải tạm ngưng biểu diễn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngay khi được cho phép hoạt động trở lại, các nghệ sỹ, diễn viên của nhiều đơn vị sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch mở màn, hứa hẹn sự khởi sắc đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng.
Tiên phong mở màn từ ngày 6-21/3 là sân khấu Kịch Idecaf với lịch diễn dày đặc từ thứ Tư đến Chủ nhật hàng tuần, riêng ngày thứ Bảy và Chủ nhật diễn liên tục 2 suất chiều và tối.
Các vở “Lời nguyền phù thủy,” “Ngũ quý kỳ phùng,” “Cậu Đồng,” “Người lạ người thương rồi người dưng,” “Ngôi nhà không có đàn ông”… chủ yếu xoay quanh nội dung về tình yêu, tình thân trong gia đình, phù hợp với không khí đầu năm, nhưng lại không thể diễn như dự kiến vì dịch bệnh. Từ ngày 24/3 trở đi, sân khấu sẽ phục vụ các suất diễn mới.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Đại diện Sân khấu kịch Idecaf, tất cả vé khán giả đã mua trước Tết được chuyển đổi thành vé xem các suất diễn theo lịch mới. Trong trường hợp khán giả không thể đến xem theo lịch mới có thể liên hệ phòng vé để nhận lại tiền.
Trong khi đó, Nhà hát Kịch sân khấu Nhỏ đã hoàn thành lịch diễn trong tháng 3/2021. Sân khấu này sẽ mở màn suất diễn đầu tiên vào tối 5/3 với chùm hài kịch ngắn, sau đó lần lượt diễn luân phiên các vở “Đẹp lắm nha,” “Tin thì linh không tin cũng linh,” “Tía ơi con lấy chồng,” “Bồ công anh,” “Công lý như hề”…
[Sân khấu TP Hồ Chí Minh tìm hướng đi mới trong mùa dịch COVID-19]
Nghệ sỹ Ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ cho biết, thời gian này, đơn vị chủ yếu chọn diễn những vở có đề tài gần gũi, mang tính xã hội, nhân văn và đặc biệt là đan xen tính giải trí, sự hài hước để khán giả khi đến đây cảm thấy được thoải mái, thư giãn sau những ngày tháng căng thẳng vì dịch bệnh.
Hai vở diễn nổi bật dự kiến ra mắt dịp Tết nhưng phải hoãn vì dịch COVID-19 là “Đẹp lắm nha” nói về sự định đoán vẻ đẹp, giá trị con người thông qua vẻ bề ngoài; “Tin thì linh... không tin cũng linh” là bức tranh khắc họa rõ nét về tình yêu, sự san sẻ của vợ chồng trong cuộc sống hôn nhân.
Chọn ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 để mở màn lại sàn diễn, sân khấu Phú Nhuận và sân khấu Hồng Vân-Chợ Lớn của Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân mang đến công chúng những vở như “Bên hiếu bên tình,” “Cô 5 cậu 10,” “Điềm báo,” “Người vợ ma”. Trong đó, 2 vở đầu được dựng mới, nội dung lần lượt nói về việc mê tín dị đoan dẫn đến những bất hạnh trong cuộc sống và sự lựa chọn của con người trước chữ hiếu, chữ tình.
Với thế mạnh hài kịch, trẻ trung, vui tươi, từ ngày 12/3, sân khấu Thế giới trẻ trở lại phục vụ khán giả với các vở: “Vệ sĩ tình yêu,” “Lò võ tiếu lâm,” “Hồn ma cô đào hát,”“Duyên ma tình người”...
Tương tự, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng “sáng đèn” lại vào ngày 13/3 và 14/3 với 2 vở mới chủ đạo có tên “Bạch Hải Đường” và “Chờ thêm chút nữa.” Những tuần kế tiếp, sân khấu kịch tâm lý xã hội này sẽ diễn luân phiên các vở “Bông hồng cài áo,” “Bàn tay của trời,” “Tình yêu trời đánh,” “Nửa đời ngơ ngác”...
Bên cạnh đó, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh đang sắp xếp lại lịch diễn, vở tuồng, trích đoạn cho phù hợp với các địa điểm biểu diễn tại Lăng Lê Văn Duyệt, sảnh trước Đền Hùng-Thảo Cầm Viên Sài Gòn và chuẩn bị cho mùa lễ Kỳ Yên tại các đình, chùa, miếu (diễn từ rằm tháng 2 Âm lịch đến rằm tháng 3 Âm lịch); Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cũng thông tin sẽ cho hoạt động trở lại rạp xiếc công viên Gia Định với suất diễn vở kịch xiếc “Ba Tư huyền bí” vào giữa tháng 3.
Trước tình hình hiện tại, các đơn vị sân khấu tại thành phố đều đã có sự chuẩn bị để phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, khán giả khi tới rạp sẽ được đo thân nhiệt, khuyến cáo đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và bảo đảm giãn cách tối thiểu.
Với tiêu chí vừa diễn kịch, vừa chống dịch, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Vân cho biết, đơn vị cùng các văn, nghệ sỹ, công nhân hậu đài luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng dịch. Từ trước Tết, chị đã chuẩn bị nhiều khẩu trang cho khán giả cùng nước rửa tay, máy đo thân nhiệt đồng thời thực hiện khử khuẩn khu vực khán phòng để đảm bảo an toàn cho các suất diễn./.