Đại dịch COVID-19 đã làm đóng băng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong gần hai năm qua. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, đại dịch cũng là nguồn cảm hứng để các nghệ sỹ xây dựng những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm với sự gian khổ hy sinh của lực lượng tuyến đầu; ngợi ca tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc; lan tỏa thành quả nỗ lực “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam.
Đại dịch truyền cảm hứng sáng tạo
Sân khấu Lệ Ngọc là đơn vị đầu tiên dàn dựng một tác phẩm về đề tài COVID-19. Dưới sự chỉ đạo của “phù thủy sân khấu” Lê Hùng, vở kịch “Cuộc chiến COVID” ra mắt cuối năm 2020 đã mang đến những góc nhìn đa chiều từ thực tiễn phòng, chống dịch ở nước ta. Ở đó, có hình ảnh đẹp về sự hy sinh, kiên cường của những chiến sỹ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch, của những người lính sẵn sàng nhường chỗ ở cho người cách ly, song bên cạnh đó cũng có bóng dáng của những kẻ lợi dụng khốn khó để trục lợi, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận…
Vở diễn được triển khai trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng và ngành nghệ thuật biểu diễn gặp nhiều khó khăn.
Nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc, lãnh đạo của đơn vị, cho hay Sân khấu Lệ Ngọc xác định đây là nhiệm vụ cấp bách vì kịch nói là loại hình nghệ thuật truyền tải nhanh và hiệu quả về công tác phòng, chống dịch, góp phần để người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này, từ đó nâng cao tinh thần đấu tranh với dịch bệnh.
Biên kịch Minh Nguyệt, tác giả kịch bản vở “Cuộc chiến COVID” cho biết với các văn nghệ sỹ, góp sức vào công cuộc chống dịch bằng những tác phẩm nghệ thuật là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhất.
“Thực tế cuộc chiến chống dịch đã có rất nhiều chất liệu cho nghệ sỹ sáng tác và không khó để lựa chọn những điển hình tiêu biểu để đưa vào tác phẩm. Bên cạnh những câu chuyện xúc động, những yếu tố tích cực, các tác phẩm còn khai thác cả những vấn đề tiêu cực ngay trong quá trình chống dịch. Tuy nhiên, dù lựa chọn chi tiết, vấn đề như thế nào thì tác phẩm cũng phải đảm bảo tính thuyết phục, chuyển tải những thông điệp ý nghĩa, có tính khái quát, chạm đến trái tim khán giả,” biên kịch chia sẻ.
Ở mảng sân khấu cho thiếu nhi, Nhà hát Tuổi trẻ đã thực hiện vở nhạc kịch “Cuộc chiến virus” để kể câu chuyện về đại dịch COVID-19 bằng ngôn ngữ trong sáng, hồn nhiên đồng thời trang bị cho trẻ em những kỹ năng sống trong bối cảnh của đại dịch.
Đạo diễn Lại Huy Hoàng cho hay khi đại dịch bắt đầu hoành hành ở Việt Nam và thế giới, các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi trẻ đã có ý tưởng thực hiện một tác phẩm sân khấu về đề tài này.
“Những khó khăn, vất vả của các y bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch xứng đáng được tôn vinh trong các loại hình nghệ thuật. Tôi cho rằng, họ chính là những anh hùng trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Ngôn ngữ nhạc kịch vui nhộn, hấp dẫn, mang tính giáo dục nhưng không nặng nề, giáo điều sẽ giúp các em có thể tiếp cận nhanh nhất với tác phẩm,” đạo diễn cho biết.
Khâu dàn dựng gặp nhiều khó khăn
Ý tưởng thì nhiều nhưng việc thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh không hề dễ dàng, nhất là khi sân khấu biểu diễn bị “đóng băng,” đời sống nghệ sỹ bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Đạo diễn Lại Huy Hoàng cho hay nhà hát huy động rất nhiều nghệ sỹ cho vở diễn 60 phút này. Ngoài diễn kịch, các diễn viên còn hát, nhảy, múa và trình diễn hình thể.
Đạo diễn Lại Huy Hoàng cũng cho biết các nghệ sỹ vẫn tập luyện thường xuyên để sau khi có quyết định được biểu diễn trở lại thì Nhà hát có tác phẩm phục vụ ngay.
“Dù đã bị lỡ hẹn nhiều dịp với khán giả song vở diễn vẫn còn nguyên tính thời sự. Chúng tôi sẽ tiếp tục công diễn tác phẩm ý nghĩa này,” đạo diễn chia sẻ.
Diễn biến của dịch bệnh vẫn đang thay đổi từng ngày, do đó, các nhà hát cũng có thêm những chi tiết đắt giá để cập nhật trong tác phẩm, tăng thêm sự kịch tính và thời sự.
Nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc cho biết các nghệ sỹ không có mặt ở tuyến đầu chống dịch nhưng vô cùng tự hào bởi đóng góp một phần vào công cuộc chống dịch bằng văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, nhóm nghệ sỹ của Sân khấu Lệ Ngọc đã đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để tìm hiểu thực tế, quan sát động tác, cử chỉ của y bác sỹ và các bệnh nhân F0. Lãnh đạo bệnh viện đã cho Sân khấu Lệ Ngọc mượn toàn bộ đạo cụ để dựng vở.
“Các diễn viên phải tập lời thoại bằng hình thức online để vừa đáp ứng tiến độ, vừa tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt về chống dịch. Diễn viên học lời rồi sau đó trao đổi, chỉnh sửa qua điện thoại với đạo diễn. Khi được phép tập trung đông người, đơn vị mới tiến hành khớp lời thoại và sân khấu. Trong buổi tập, nghệ sỹ cũng mặc đầy đủ quần áo y tế, khẩu trang, găng tay, mũ chống giọt bắn… rất vất vả và khó biểu lộ tâm lý, chỉ có thể biểu lộ bằng ngôn ngữ hình thể,” nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc cho biết.
[Sau thời kỳ ảm đạm, nghệ thuật biểu diễn sẵn sàng cho ngày mở màn]
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghệ sỹ Múa Việt Nam cho hay đang cùng 150 nghệ sỹ trong Nam ngoài Bắc thực hiện tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn.” Tác phẩm sẽ ra mắt trên các nền tảng trực tuyến vào ngày 20/10 và được đưa lên sàn diễn khi sân khấu được phép mở cửa trở lại. Tác phẩm là cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến chống dịch, khắc họa tất cả các thành phần xã hội.
Thực hiện tác phẩm khi Hà Nội đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Thành phố Hồ Chí Minh đang là tâm dịch lớn của cả nước, các nghệ sỹ đã phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.
“Kịch bản phải chi tiết đến từng giây, ngôn ngữ động tác kết cấu chặt chẽ với bối cảnh, tiết tấu phải nhanh, ý đồ phải rõ ràng. Chúng tôi chia vở diễn từng tổ hợp, sắp xếp các nghệ sỹ ở vùng cách ly vào phần múa đơn, múa đôi, để họ tập riêng sau đó mới phối hợp đội hình. Quá trình làm việc online hoàn toàn khiến cho việc dàn dựng kỳ công và mất nhiều thời gian hơn dựng vở bình thường rất nhiều,” biên đạo múa Tuyết Minh cho biết.
Khi truyền đi thông điệp về sự tích cực thì bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng sẽ trở thành một liều thuốc cho tinh thần, giúp loại bỏ cảm giác căng thẳng, bi quan. Đó là điều mà các nghệ sỹ hướng tới khi cuộc sống và nghệ thuật biểu diễn trở lại bình thường./.