Trải qua một thế kỷ, nghệ thuật cải lương đã gắn bó với công chúng trên mọi miền Tổ quốc, từng là loại hình sân khấu nghệ thuật được khán giả ưa chuộng vào bậc nhất.
Tuy nhiên, sân khấu cải lương ngày càng vắng bóng người xem. Việc tìm lại ánh hào quang cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này, giúp nó luôn có “chỗ đứng” trong lòng khán giả, đang là điều trăn trở khôn nguôi của những người tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này.
Thời kỳ vàng son
Nghệ thuật cải lương có tiến trình hình thành với một chặng đường khá dài và trải qua từng giai đoạn gắn liền với lịch sử dân tộc.
Cải lương đã được hình thành và phát triển từ nguồn gốc đàn ca tài tử, phát triển thành ca ra bộ, rồi trở thành cải lương như ngày nay.
Trong quyển Bước đường của cải lương (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018), tác giả Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, cải lương hình thành từ ca ra bộ (ca thay phiên) - biến thể của đờn ca tài tử.
Công đầu đưa cải lương bước ra sân khấu thuộc về các văn sỹ Hồ Biểu Chánh, Đặng Thúc Liêng... Hồ Biểu Chánh khi ấy đã cùng nhiều bạn bè là các đốc phủ lập ra gánh hát dạo, lưu diễn từ Sài Gòn đến lục tỉnh miền Tây.
Đặc trưng các tuồng thời kỳ này là hát nửa bội, nửa kịch, mặc xiêm y áo giáp thời xưa nhưng hát, nói suông, diễn tả một cách tân thời cho dễ nhớ, dễ nghe.
[Tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ]
Ngày 15/3/1918, vở Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản được công diễn tại rạp hát Thầy Năm Tú. Đây được xem là vở diễn khai sinh nghệ thuật cải lương.
Cải lương xuất hiện đã bổ sung thêm vào kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc một loại hình nghệ thuật sân khấu hết sức đặc sắc, và quan trọng là nó đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của rất nhiều tầng lớp khán giả.
Do vậy cải lương đã phát triển một cách nhanh chóng và lan rộng khắp cả nước, trở thành một bộ môn nghệ thuật được khán giả ưa chuộng vào bậc nhất.
Tại miền Nam, vào thập niên 1960, sân khấu cải lương phát triển rực rỡ. Từ năm 1975-1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng trên 20 đoàn cải lương quốc doanh biểu diễn tại 15 rạp với hàng ngàn khán giả mỗi tối.
Trong hơn nửa thế kỷ, sân khấu cải lương vượt xa các loại hình sân khấu khác về thế mạnh, có thời kỳ nó giữ địa vị độc tôn, thu hút khán giả nhiều hơn tất cả các loại hình sân khấu khác.
Nghệ sỹ nhân dân Lệ Thủy miêu tả, vào thời vàng son của cải lương, mỗi đêm diễn, người xem xếp hàng mua vé rất đông. Khoảng 200 vé là diễn viên chê. Phải cả nghìn vé trở lên thì đêm hát mới diễn ra. Từ sáng sớm, các xe đi phát tờ bướm đông vui, rôm rả. Còn nhiều vùng quê chưa có đèn điện, phải chạy điện bình. Mỗi lần ghe hát về đến ngã tư sông, người ta kéo đến đông như ngày hội.
Cải lương cũng là môn nghệ thuật dân tộc đầu tiên được đi trình diễn ở Paris (Pháp) từ nửa đầu thế kỷ XX.
Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các giai đoạn kế tiếp, cải lương đã được các nghệ sĩ tiền bối sử dụng như một vũ khí tinh thần để cổ vũ lòng yêu nước, khích lệ quần chúng nhân dân tham gia vào các phong trào cách mạng, nhất là ở các tỉnh, thành Nam bộ. Nhiều tác phẩm, vở diễn, vai diễn đã đi vào lịch sử cải lương, thấm đẫm vào ký ức của nhiều thế hệ công chúng.
Qua chặng đường phát triển 100 năm, sân khấu cải lương đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong nghệ thuật biểu diễn với các tên tuổi lớn: Minh Phụng, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Út Bạch Lan, Thanh Sang, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn...
Không chỉ có các cá nhân tiêu biểu, nhiều gia đình làm thành gánh hát cũng lừng danh một thời như gánh Đồng Nữ Ban, đoàn Việt kịch Năm Châu, đoàn Thanh Minh-Thanh Nga, gia đình chị em Năm Phỉ-Bảy Nam…
Bằng nhiều con đường khác nhau, họ đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển, duy trì sân khấu cải lương đến ngày hôm nay.
Tại hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương 1918-2018” (tổ chức tháng 4/2018), Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định sức hút kỳ lạ của sân khấu cải lương khi chỉ trong ít năm hình thành đã phát triển ở cả 3 miền, hấp dẫn công chúng không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở vùng nông thôn xa xôi, đáp ứng nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động.
Nỗ lực để sân khấu cải lương luôn sáng đèn
Từng có những bước phát triển rực rỡ, thế nhưng, vài thập niên trở lại đây, sân khấu cải lương ngày càng hiu hắt. Cải lương hiện nay đang chịu sự tác động lớn của xu hướng toàn cầu hóa, cơ chế thị trường và sự bùng nổ của công nghệ thông tin.
Sự đa dạng, phong phú các loại hình nghệ thuật mang tính giải trí hiện đại đã và đang lấn át các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương. Bên cạnh đó, cải lương đang thiếu nguồn nhân lực; khan hiếm kịch bản văn học, tác phẩm hay; chính sách dành cho văn hóa, văn học nghệ thuật còn bất cập, không theo kịp tình hình phát triển của kinh tế thị trường…
Việc tìm lại ánh hào quang cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này, giúp nó luôn có “chỗ đứng” trong lòng khán giả, đang là điều trăn trở khôn nguôi của những người tâm huyết với nghệ thuật cải lương.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, để tồn tại và phát triển, từ kinh nghiệm của chính cải lương cho thấy giải pháp tối ưu có lẽ vẫn là sáng tạo, cách tân để phù hợp với yêu cầu của công chúng.
Tại hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương 1918-2018,” ông Võ Văn Thưởng nêu rõ, nếu như ở giai đoạn mới hình thành, sáng tạo là đổi mới tuồng tích, đổi mới nghệ thuật hát ca thì trong xã hội hiện đại, yêu cầu đầu tiên là đổi mới đề tài, đổi mới thi pháp, đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật... sao cho đáp ứng được nhu cầu tinh thần, thẩm mỹ ngày càng cao, càng đa dạng của công chúng khán giả.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề cập các nhóm giải pháp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn trong môi trường nghệ thuật, cải thiện cơ chế, chính sách đối với nghệ thuật cải lương, xây dựng môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật trong đó chú trọng trang bị cơ sở vật chất phù hợp đáp ứng hoạt động sáng tạo nghệ thuật cải lương, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành đạo diễn cải lương.
Canh cánh trong lòng nỗi niềm bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương, giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cho rằng, muốn cải lương khởi sắc như thời hoàng kim cần có một chính sách đặc biệt. Cụ thể là đầu tư kinh phí cho những công trình sáng tác, dàn dựng và biểu diễn để có được những vở diễn hay, những tác phẩm vừa đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của công chúng vừa có tính tư tưởng cao.
Theo nghệ sỹ ưu tú Hải Phượng cần phải quan tâm và cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ nhân và kế hoạch đầu tư để đào tạo những đội ngũ kế thừa, giúp cho cải lương vẫn giữ được sự thu hút từ kịch bản đến lối ca diễn và sự thu hút từ âm nhạc, góp phần làm cho cải lương xứng đáng là một sự lựa chọn của khán giả trong thời đại công nghệ nghe nhìn hiện nay.
Còn theo tiến sỹ Mai Mỹ Duyên, để phát triển nghệ thuật cải lương hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, thì cần có không gian để nghệ sĩ cải lương biểu diễn. Cùng với đó, cần quan tâm chú trọng đến khán giả, thu hút khán giả đến với cải lương nhiều hơn.
Trong những năm gần đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng đã tích cực đưa sân khấu cải lương đến với đông đảo quần chúng thông qua việc tổ chức dàn dựng, biểu diễn các vở cải lương mới, thành lập Câu lạc bộ sân khấu cải lương, tổ chức hoạt động thường xuyên, đa dạng hóa các chủ đề đưa nghệ thuật cải lương trở nên hấp dẫn hơn./.