Diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang giảm mạnh do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Tình trạng này đang dấy lên mối lo ngại ngập lụt và thiếu đất sản xuất nông nghiệp.
Không những thế, các dự án sân golf “chiếm” thêm hàng ngàn ha đất, trong đó không ít là đất nông nghiệp.
800ha đất nông nghiệp lãng phí
Tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang do quy hoạch "treo" đang là một hiện trạng phổ biến. Chỉ tính riêng ba huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh đã có trên 3.000ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
Sự lãng phí đất nông nghiệp này phải kể đến các dự án sân golf đang “treo” 800ha đất nông nghiệp. Các dự án có mục tiêu sân golf thường chiếm diện tích rất lớn đất nông nghiệp, trong đó có một phần diện tích được sử dụng cho mục đích không phải sân golf như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí - thể dục thể thao, nhà ở - biệt thự để bán và cho thuê.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có sáu dự án sân golf đã được cấp phép, tuy nhiên, thực tế chỉ có một dự án đi vào hoạt động từ năm 1995; bốn dự án đang hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; một dự án đã bị chấm dứt hoạt động trước thời hạn và đã bị thu hồi giấy phép đầu tư.
Điều đáng chú ý là, các dự án sân golf này đều có quy mô sử dụng hàng trăm ha đất. Cụ thể, dự án sân golf Lâm Viên tại phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ (quận 9) có quy mô sử dụng 300ha đất; dự án sân golf tại phường An Phú, quận 2 sử dụng hơn 132ha đất; dự án sân golf GS tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (thuộc khu đô thị Tây Bắc thành phố) sử dụng 200ha đất; dự án sân golf Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) sử dụng hơn 157ha đất; dự án sân golf Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) có quy mô sử dụng 300ha đất...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất nông nghiệp đang giảm nhanh, trong vòng 15 năm qua, đã giảm khoảng 18.000ha (trung bình mỗi năm giảm đến 1.400ha). Diện tích giảm năm sau nhiều hơn năm trước, đặc biệt tại các quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, 12...
Để hạn chế tình trạng đất nông nghiệp ngày càng mất đi, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành và thực hiện nhiều biện pháp như kiểm tra, rà soát các dự án "treo"; kiểm tra các đơn vị sản xuất gây ô nhiễm khiến nông dân phải bỏ đất, ngăn chặn nạn bán đất nông nghiệp bừa bãi…
Làm sân golf hay xây biệt thự?
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình sử dụng sân golf trên địa bàn cũng đã thừa nhận việc có quá nhiều dự án sân golf chiếm diện tích đất nông nghiệp rất lớn; hơn nữa chơi golf không phải là bộ môn thể thao quần chúng, trong khi các công trình công cộng và phúc lợi xã hội đang thiếu cả địa điểm và quy mô.
Mặt khác, việc đền bù giải tỏa kéo dài, chậm triển khai dự án ảnh hưởng tới đời sống của người dân bị thu hồi đất và nền nông nghiệp thành phố. Một số dự án có một phần diện tích đất được sử dụng cho mục đích không phải sân golf như: Nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí-thể dục thể thao, nhà ở-biệt thự, khu nghỉ dưỡng… để bán và cho thuê.
Lấy đất nông nghiệp đền bù với giá rẻ mạt, sau đó, bằng nhiều biện pháp, chủ đầu tư xin chuyển đổi công năng hoặc xin “thêm” diện tích đất để xây dựng các khu đô thị, thương mại, khách sạn kinh doanh với giá cao.
Đáng nói nhất là sân golf An Phú, mặc dù có vị trí “vàng” tại khu vực quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tới nay dự án vẫn ì ạch triển khai do vướng đền bù giải tỏa. Nguyên nhân khiến dự án gần 9 năm sau cấp phép “chôn” hàng trăm ha đất nông nghiệp là do giá đền bù quá thấp và cứng nhắc trong áp dụng. Giá đất nông nghiệp được “áp” tại dự án này là 150.000-200.000 đồng/m2 (theo phương án phê duyệt năm 2003).
Sau nhiều lần khiếu nại, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (Công ty SDI) nâng giá đền bù lên 870.000 đồng/m2. Tuy nhiên mức giá này vẫn thấp hơn nhiều khi đối chiếu với giá bồi thường dự án công ích (làm đường) tại khu vực quận 2 hiện nay đã lên tới 1,5 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp. Còn mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp giá bồi thường dao động từ 15-20 triệu đồng/m2.
Không những thế, trong tờ trình xin phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án của chủ đầu tư, các hạng mục xây dựng địa ốc cũng nằm trong nhóm đầu danh sách: Đất xây dựng biệt thự 147.600 m2; đất xây dựng nhà liền kề có sân vườn 5.800 m2; căn hộ cao cấp 15 tầng 6.650 m2; khách sạn 12 tầng 2.600 m2...
Tuy nhiên, về phần xây dựng nhà ở, SDI giải thích “không phải ưu tiên biệt thự, căn hộ” để kinh doanh mà mục tiêu trước mắt là phục vụ tái định cư cho các hộ dân trong dự án theo cam kết đã ký với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đơn vị đang lập thủ tục để bàn giao khu tái định cư (10 ha) cho Ủy ban Nhân dân quận 2.
Trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/11/2009 về phê duyệt Quy hoạch sân golf đến năm 2020, các dự án sân golf không được lấy đất lúa, đất màu nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, đất rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf để xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng. Để tránh hiện tượng “biến hóa” sân golf thành khu chung cư, biệt thự cao cấp.
Trước tình trạng này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định kiên quyết không cho phép những dự án đầu tư các công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí được thay đổi mục tiêu kinh doanh; đồng thời, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang mục tiêu kinh doanh bất động sản./.
Không những thế, các dự án sân golf “chiếm” thêm hàng ngàn ha đất, trong đó không ít là đất nông nghiệp.
800ha đất nông nghiệp lãng phí
Tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang do quy hoạch "treo" đang là một hiện trạng phổ biến. Chỉ tính riêng ba huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh đã có trên 3.000ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
Sự lãng phí đất nông nghiệp này phải kể đến các dự án sân golf đang “treo” 800ha đất nông nghiệp. Các dự án có mục tiêu sân golf thường chiếm diện tích rất lớn đất nông nghiệp, trong đó có một phần diện tích được sử dụng cho mục đích không phải sân golf như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí - thể dục thể thao, nhà ở - biệt thự để bán và cho thuê.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có sáu dự án sân golf đã được cấp phép, tuy nhiên, thực tế chỉ có một dự án đi vào hoạt động từ năm 1995; bốn dự án đang hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; một dự án đã bị chấm dứt hoạt động trước thời hạn và đã bị thu hồi giấy phép đầu tư.
Điều đáng chú ý là, các dự án sân golf này đều có quy mô sử dụng hàng trăm ha đất. Cụ thể, dự án sân golf Lâm Viên tại phường Long Bình và Long Thạnh Mỹ (quận 9) có quy mô sử dụng 300ha đất; dự án sân golf tại phường An Phú, quận 2 sử dụng hơn 132ha đất; dự án sân golf GS tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi (thuộc khu đô thị Tây Bắc thành phố) sử dụng 200ha đất; dự án sân golf Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) sử dụng hơn 157ha đất; dự án sân golf Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) có quy mô sử dụng 300ha đất...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất nông nghiệp đang giảm nhanh, trong vòng 15 năm qua, đã giảm khoảng 18.000ha (trung bình mỗi năm giảm đến 1.400ha). Diện tích giảm năm sau nhiều hơn năm trước, đặc biệt tại các quận, huyện ngoại thành như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, 12...
Để hạn chế tình trạng đất nông nghiệp ngày càng mất đi, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành và thực hiện nhiều biện pháp như kiểm tra, rà soát các dự án "treo"; kiểm tra các đơn vị sản xuất gây ô nhiễm khiến nông dân phải bỏ đất, ngăn chặn nạn bán đất nông nghiệp bừa bãi…
Làm sân golf hay xây biệt thự?
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình sử dụng sân golf trên địa bàn cũng đã thừa nhận việc có quá nhiều dự án sân golf chiếm diện tích đất nông nghiệp rất lớn; hơn nữa chơi golf không phải là bộ môn thể thao quần chúng, trong khi các công trình công cộng và phúc lợi xã hội đang thiếu cả địa điểm và quy mô.
Mặt khác, việc đền bù giải tỏa kéo dài, chậm triển khai dự án ảnh hưởng tới đời sống của người dân bị thu hồi đất và nền nông nghiệp thành phố. Một số dự án có một phần diện tích đất được sử dụng cho mục đích không phải sân golf như: Nhà hàng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí-thể dục thể thao, nhà ở-biệt thự, khu nghỉ dưỡng… để bán và cho thuê.
Lấy đất nông nghiệp đền bù với giá rẻ mạt, sau đó, bằng nhiều biện pháp, chủ đầu tư xin chuyển đổi công năng hoặc xin “thêm” diện tích đất để xây dựng các khu đô thị, thương mại, khách sạn kinh doanh với giá cao.
Đáng nói nhất là sân golf An Phú, mặc dù có vị trí “vàng” tại khu vực quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng tới nay dự án vẫn ì ạch triển khai do vướng đền bù giải tỏa. Nguyên nhân khiến dự án gần 9 năm sau cấp phép “chôn” hàng trăm ha đất nông nghiệp là do giá đền bù quá thấp và cứng nhắc trong áp dụng. Giá đất nông nghiệp được “áp” tại dự án này là 150.000-200.000 đồng/m2 (theo phương án phê duyệt năm 2003).
Sau nhiều lần khiếu nại, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (Công ty SDI) nâng giá đền bù lên 870.000 đồng/m2. Tuy nhiên mức giá này vẫn thấp hơn nhiều khi đối chiếu với giá bồi thường dự án công ích (làm đường) tại khu vực quận 2 hiện nay đã lên tới 1,5 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp. Còn mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp giá bồi thường dao động từ 15-20 triệu đồng/m2.
Không những thế, trong tờ trình xin phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án của chủ đầu tư, các hạng mục xây dựng địa ốc cũng nằm trong nhóm đầu danh sách: Đất xây dựng biệt thự 147.600 m2; đất xây dựng nhà liền kề có sân vườn 5.800 m2; căn hộ cao cấp 15 tầng 6.650 m2; khách sạn 12 tầng 2.600 m2...
Tuy nhiên, về phần xây dựng nhà ở, SDI giải thích “không phải ưu tiên biệt thự, căn hộ” để kinh doanh mà mục tiêu trước mắt là phục vụ tái định cư cho các hộ dân trong dự án theo cam kết đã ký với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đơn vị đang lập thủ tục để bàn giao khu tái định cư (10 ha) cho Ủy ban Nhân dân quận 2.
Trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/11/2009 về phê duyệt Quy hoạch sân golf đến năm 2020, các dự án sân golf không được lấy đất lúa, đất màu nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, đất rừng, đặc biệt là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf để xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng. Để tránh hiện tượng “biến hóa” sân golf thành khu chung cư, biệt thự cao cấp.
Trước tình trạng này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định kiên quyết không cho phép những dự án đầu tư các công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí được thay đổi mục tiêu kinh doanh; đồng thời, không cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang mục tiêu kinh doanh bất động sản./.
Sĩ Dũng (Báo Tin Tức/Vietnam+)