Công nghệ nhận diện khuôn mặt làm thủ tục bay có tỷ lệ thành công cao

Sân bay Cát Bi triển khai xác thực ảnh khuôn mặt khách đi máy bay

Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã bắt đầu vận hành thử nghiệm sử dụng camera nhận diện khuôn mặt để làm thủ tục hàng không cho hành khách đi máy bay nội địa dùng căn cước công dân điện tử.
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã bắt đầu vận hành thử nghiệm sử dụng camera nhận diện khuôn mặt để làm thủ tục hàng không từ đầu tháng Hai vừa qua. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan đến việc triển khai thí điểm công nghệ nhận diện khuôn mặt khi đi máy bay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã và đang triển khai nhiều ứng dụng khoa học hiện đại trong dây chuyền phục vụ hành khách, trong đó có thử nghiệm hệ thống xác thực hành khách sử dụng thẻ căn cước công dân điện tử trong quy trình kiểm tra an ninh hàng không đối với hành khách đi máy bay tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Theo lãnh đạo ACV, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (trực thuộc ACV) đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành lắp đặt thiết bị, cài đặt phần mềm phục vụ công tác thử nghiệm hệ thống xác thực hành khách sử dụng thẻ căn cước công dân điện tử tại điểm kiểm tra an ninh hàng không đối với hành khách trên các chuyến bay nội địa.

Từ đầu ngày 1/2 vừa qua, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đã bắt đầu vận hành thử nghiệm sử dụng camera nhận diện khuôn mặt để làm thủ tục hàng không và triển khai thí điểm 1 làn riêng dành cho hành khách đi máy bay nội địa có sử dụng thẻ căn cước công dân điện tử.

Tính đến nay, số lượng hành khách thử nghiệm là 758 hành khách, trong đó số lượng thẻ căn cước công dân được nhận dạng là 746 thẻ (98,4%), tỷ lệ camera nhận dạng được khuôn mặt là 100%, thời gian trung bình đọc thẻ căn cước công dân và thẻ lên máy bay là xấp xỉ 15 giây/hành khách, thời gian trung bình kiểm soát xong 1 hành khách là 60 giây.

“Kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống đã hỗ trợ tốt cho lực lượng an ninh hàng không trong việc kiểm soát hành khách, tuy nhiên còn tồn tại một số vấn đề như tốc độ đọc căn cước công dân điện tử của thiết bị còn chậm; một số trường hợp không đọc được thẻ căn cước công dân do thẻ bị lỗi, mã MRZ bị mờ, bẩn;... Trong giai đoạn tiếp theo, sân bay Cát Bi sẽ nghiên cứu phát triển thiết bị kiểm tra tự động, không cần có sự kiểm soát của nhân viên an ninh hàng không nhằm tiết giảm nhân lực,” lãnh đạo ACV thông tin thêm.

Hành khách làm thủ tục đi máy bay bằng ứng dụng tài khoản định danh điện tử. (Ảnh: PV/Vietnam+)

[Mở rộng thí điểm công nghệ nhận diện khuôn mặt khi đi máy bay]

Bên cạnh đó, ACV đã thiết lập hệ thống kết nối giữa cảng hàng không với cơ sở dữ liệu căn cước công dân của Bộ Công an để kiểm soát hành khách đi máy bay nội địa nhằm tăng cường độ chính xác; ngăn chặn, phát hiện kịp thời các trường hợp hành khách sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay; sàng lọc các đối tượng bị cấm bay hoặc bắt buộc phải kiểm tra trực quan/kiểm tra trực quan hành lý ký gửi…

Tại điểm kiểm tra an ninh hàng không, lắp đặt thiết bị đọc thẻ căn cước công dân điện tử và camera chuyên dụng để đối sánh khuôn mặt của hành khách với thông tin có sẵn trong thẻ căn cước công dân. Nhân viên an ninh hàng không thực hiện việc quét thẻ căn cước công dân điện tử và thẻ lên tàu bằng thiết bị chuyên dụng, đồng thời thực hiện đối sánh khuôn mặt của hành khách. Hệ thống xác thực căn cước công dân và trả kết quả xác thực thông tin hành khách, thông tin hành trình, đối sánh với danh sách cấm bay/kiểm tra trực quan bắt buộc/kiểm tra trực quan hành lý ký gửi.

Trong trường hợp hệ thống ghi nhận thông tin trên thẻ căn cước công dân và hình ảnh đối sánh khuôn mặt trùng khớp, đúng thông tin về hành trình, nhân viên an ninh hàng không cho hành khách di chuyển vào khu vực soi chiếu. Trường hợp một trong các thông tin không trùng khớp hoặc tên của hành khách trùng với danh sách cấm bay/hoặc cần phải kiểm tra trực quan, nhân viên an ninh hàng không thực hiện quy trình kiểm tra an ninh theo quy định.

Ngoài ra, phần mềm VeriPAX do ACV tự phát triển, hiển thị đầy đủ các thông tin đọc được từ thẻ căn cước công dân, thông tin về hành trình, có kết nối với danh sách hành khách đã làm thủ tục hàng không để đối sánh thẻ lên tàu với lộ trình bay của hành khách.

Đặc biệt, phần mềm VeriPAX cũng có kết nối với cơ sở dữ liệu về danh sách cấm bay của Cục Hàng không Việt Nam để có thể nhanh chóng nhận diện hành khách có nằm trong “danh sách đen” này hay không.

Nhân viên an ninh hàng không kiểm tra xác thực hành khách trước khi vào kiểm tra soi chiếu an ninh tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, VeriPAX có tính năng cảnh báo cho người sử dụng trong trường hợp hành khách cần kiểm tra trực quan hành lý ký gửi; có thể kiểm soát hành khách sử dụng các loại giấy tờ tùy thân khác, không sử dụng thẻ căn cước công dân điện tử./.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết trước mắt, ngay trong quý 1/2023 thí điểm triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi máy bay và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sơ bộ kết quả thí điểm, đề xuất phương án giải quyết. Đến đầu quý 2 năm nay sẽ tổ chức hội nghị trao đổi, thống nhất yêu cầu/quy định, định hướng khi triển khai xác thực sinh trắc học khi công dân làm thủ tục đi máy bay.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục