Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh. Bên cạnh các thị trường bán hàng truyền thống như chợ…, những năm gần đây, việc đi “chợ tết online” đã và đang là một xu thế phát triển rõ nét.
Với ưu điểm đa dạng về các mặt hàng, tiết kiệm thời gian, dễ so sánh giá cả, sắm Tết “online” đang trở thành lựa chọn của khá nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Chỉ với chiếc điện thoại hoặc máy tính là người tiêu dùng đã có thể sắm gần như đầy đủ cho dịp Tết của gia đình.
Lướt màn hình sắm Tết
Giờ nghỉ trưa, chị Phạm Thu Trang, nhân viên văn phòng một công ty tại Cầu Giấy - Hà Nội cùng một số đồng nghiệp “lướt website” để sắm đồ Tết. Chị Trang chia sẻ, công việc đặc thù nên 29 Tết mới được nghỉ, do vậy không có nhiều thời gian đi chợ hay siêu thị mua sắm. “Vì thế mà một hai năm trở lại đây, mình chọn mua sắm Tết trên các website và mạng xã hội. Chỉ cần bỏ ra vài chục phút, có thể sắm tương đối đầy đủ các món đồ cần thiết phục vụ cho dịp Tết nguyên đán của gia đình. Mặt khác, mua xong có người giao hàng tận nhà, không phải chở đồ lỉnh kỉnh mang về,” chị Trang cho hay.
Nhiều bạn trẻ cho biết đi chợ Tết online đỡ vất vả hơn, bởi người dùng chỉ cần ngồi tại chỗ và chạm tay vào màn hình. Vài giờ sau, hàng hóa đã “gõ cửa” tận nhà vô cùng tiện lợi, không lo ngại chuyện kẹt xe. Nhiều trang thương mại điện tử còn có chương trình giao hàng miễn phí, giảm giá sâu cho nhiều mặt hàng Tết.
[Không để xảy ra khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2021]
“Thay vì phải lên danh sách các món cần mua rồi chạy ra nhiều khu chợ để tìm kiếm, tôi chỉ cần lướt nhanh các trang chợ Tết online là đã tham khảo được hàng trăm loại đồ dùng trang trí, thực phẩm Tết để mua,” chị Lê Thanh, quận Hoàng Mai nói.
Tương tự, chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại, chị Hoàng Thùy Dương - giáo viên trường mầm non Việt Mỹ IQ, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã sắm sửa cho gia đình mình những món đồ ngày Tết, tất cả đều rất nhanh chóng và tiện lợi. Với chị, việc sắm Tết qua các trang mạng điện tử như thế này thực sự tiện lợi và đã trở thành một thói quen trong thời buổi “thời gian là vàng” hiện nay.
"Công việc của mình rất bận rộn, mình chỉ có thể đi chợ hoặc siêu thị vào giờ tan tầm, mà lúc đó phải xếp hàng chờ lâu rất mất thời gian. Mình ở nhà mua sắm online có rất nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mình thấy nhiều mặt hàng có giá thành rẻ hơn ở ngoài, đặc biệt là được miễn phí ship. Mình thanh toán bằng thẻ visa có rất nhiều ưu đãi. Thậm chí năm trước mình còn đặt cả mâm cỗ cúng cuối năm của 1 chị quen trên mạng. Thực sự mình thấy rất tiện dụng cho những người không có nhiều thời gian," chị Dương chia sẻ.
Theo khảo sát, trên các trang mua sắm trực tuyến và các tài khoản bán hàng online ở mạng xã hội facebook, zalo… không khí Tết đã ngập tràn và đa sắc màu. Trên một số trang thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki... đều đang triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn cho các ngành hàng như thời trang, điện tử, du lịch-ẩm thực, giỏ quà…
Các tài khoản bán hàng trên mạng xã hội cũng hấp dẫn khách hàng bởi sự cập nhật kịp thời của các chủ hàng khi nhập nhiều mặt hàng đặc sản vùng miền làm quà biếu hoặc sử dụng trong dịp Tết như: Thịt khô gác bếp, măng khô, bánh chưng, chè cổ thụ, nấm rừng, lạp xưởng…
Chị Nguyễn Thị Nga-một chủ tài khoản bán hàng trên mạng xã hội facebook cho biết: “Để có những sản phẩm phục vụ người tiêu dùng dịp Tết, tôi đã phải lên kế hoạch, chuẩn bị các nguồn hàng trước đó khoảng 2 tháng, rồi chạy quảng cáo cho sản phẩm. Mấy ngày nay, lượng khách đặt hàng nhiều, tôi phải thuê thêm người đóng gói, ship hàng trong khu vực thành phố và gửi chuyển phát nhanh nếu khách hàng ở xa.”
Người tiêu dùng nên là “khách hàng thông thái”
Hàng loạt chương trình khuyến mại được nhà cung cấp tung ra thời điểm cận Tết để kích thích sức mua của thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo bà nội trợ cần cẩn trọng khi mua hàng trực tuyến vì tiềm ẩn những rủi ro trong thanh toán và sản phẩm kém chất lượng.
Tình cảnh "treo đầu dê, bán thịt chó" vẫn diễn ra nhan nhản. Chị Vi, nhân viên kinh doanh tại một công ty trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội cho biết: "Vì không có nhiều thời gian nên mình cũng hay mua hàng qua mạng. Không thể phủ nhận sự tiện lợi của dịch vụ này, tuy nhiên cũng có những điều đáng lưu ý. Mình thường xuyên phải trả lại đồ đặt mua vì thực tế không giống như những mẫu được họ đăng tải trên mạng. Do đó, hàng Tết đa số là thực phẩm, vấn đề chất lượng, uy tín là rất đáng quan tâm. Phần lớn kinh doanh kiểu này đều là cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ, do đó, việc bảo quản chất lượng, vệ sinh của các mặt hàng sẽ hạn chế."
Ghi nhận trên nhiều diễn đàn xung quanh dịch vụ mua bán hàng tết online cho thấy, khách hàng hoàn toàn có thể gặp những rủi ro nguy hiểm như bị lừa đảo, nhận hàng quá đát, hàng không đúng chất lượng.
Thậm chí, có một số đối tượng lợi dụng kẽ hở của việc chuyển khoản, chuyển tiền qua bưu điện nên lập ra những topic bán hàng để lừa đảo, khi người mua chuyển tiền thì lấy số tiền đó, xóa topic và biến mất.
Vì vậy, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên mua hàng ở những trang thương mại điện tử có uy tín để sản phẩm được bảo hành đầy đủ, từ đó người tiêu dùng có thể yên tâm hơn”.
Hơn nữa, các sàn thương mại điện tử luôn rà soát nghiêm ngặt để đảm bảo về mặt chất lượng cũng như uy tín của từng gian hàng. Nhờ vậy, người dùng không phải lo ngại về việc hàng hóa kém chất lượng, hàng giả. Từng nhóm ngành hàng cũng được phân bổ rất rõ ràng, dễ tìm, dễ chọn lọc./.