Sầm Sơn nỗ lực loại bỏ "tiếng xấu" về chặt chém, ép giá du khách

Thị xã Sầm Sơn - trọng điểm quảng bá hình ảnh du lịch xứ Thanh - đang nỗ lực "làm mới" mình, loại bỏ "tiếng xấu" về chặt chém, ép giá... để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Sầm Sơn nỗ lực loại bỏ "tiếng xấu" về chặt chém, ép giá du khách ảnh 1 Bãi biển Sầm Sơn, một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã tổ chức thành công 23/32 sự kiện của Năm du lịch quốc gia 2015 cùng nhiều sự kiện văn hóa, thể thao du lịch quan trọng khác, thu hút hàng vạn lượt khách trong nước và quốc tế tham gia.

Xác định Năm du lịch quốc gia là đòn bẩy, là cơ hội hiếm có, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung cao độ vào công tác quản lý du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách nên các chỉ tiêu về du lịch đều vượt kế hoạch đề ra.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Thanh Hóa đã đón 3,3 triệu lượt khách, tăng 16,2% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 57.700 lượt khách (tăng 26,0% so với cùng kỳ). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.360 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ (trong đó doanh thu quốc tế đạt 37,9 triệu USD).

Có thể khẳng định, việc đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2015 đã tạo động lực phát triển có tính đột phá về du lịch cho Thanh Hóa, là cơ hội để quảng bá tiềm năng, hình ảnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.

Qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 92 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch và Chỉ thị 14 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa về phát triển du lịch đã từng bước được nâng cao, ý thức tôn trọng pháp luật, văn minh du lịch, thái độ giao tiếp ứng xử, phục vụ khách du lịch ngày càng tốt hơn.

Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và phát triển sản phẩm du lịch được quan tâm.

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2010 và Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thanh Hóa đã chú trọng đẩy mạnh hoàn thiện 25 quy hoạch, với tổng vốn đăng ký hơn 23.200 tỷ đồng, trong đó hiện có 30 dự án được cấp phép và đã triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng.

Cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm được quan tâm đầu tư với 672 cơ sở lưu trú, 15.000 phòng, trong đó có 85 cơ sở được xếp hạng khách sạn từ 1-4 sao, 351 cơ sở xếp hạng nhà nghỉ đủ tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch.

Riêng thị xã biển Sầm Sơn đã có trên 400 cơ sở lưu trú với gần 12.000 phòng nghỉ, trong đó Khu nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn có 600 phòng tiêu chuẩn 5 sao.

Hiện Thanh Hóa đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp các khách sạn lên hạng 3 sao trở lên và các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Sầm Sơn là một địa điểm du lịch ở Thanh Hóa được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Tuy nhiên, "tiếng xấu" về tình trạng "chặt chém," "ép khách," làm du lịch mùa vụ... đã làm giảm đi giá trị vốn có của Sầm Sơn.

Nhận thức sâu sắc điều này, trong vài năm trở lại đây và nhất là trong Năm du lịch quốc gia 2015, Thanh Hóa xác định lấy Sầm Sơn là trọng điểm để xây dựng, quảng bá hình ảnh du lịch xứ Thanh.

Đây cũng là năm thứ 3, chính quyền và nhân dân thị xã Sầm Sơn cương quyết chấn chỉnh các hiện tượng không niêm yết giá bán, bán không đúng giá niêm yết ở một số loại hình dịch vụ du lịch gây mất ổn định trật tự kinh doanh, làm giảm niềm tin của du khách.

Tận dụng thời cơ, thế mạnh, thị xã Sầm Sơn đã và đang tập trung "làm mới" mình. Không chỉ mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác tuyên truyền quảng bá mà chính người dân Sầm Sơn đang đổi mới về nhận thức, phong cách giao tiếp ứng xử văn hóa, lịch sự, thân thiện, mến khách..., phấn đấu để Sầm Sơn trở thành trọng điểm du lịch quốc gia, là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách trong và ngoài nước.

Sáu tháng đầu năm 2015, lượng khách du lịch đến Sầm Sơn đã đạt 2,5 triệu lượt người, tăng gần 19% so với cùng kỳ và đạt trên 70% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay.

Doanh thu từ hoạt động du lịch của thị xã ước đạt trên 1.230 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2014, đạt 61,5% so với kế hoạch.

Mới đây, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn có quy mô đầu tư 5.500 tỷ đồng đã chính thức khai trương, mở ra một trang mới cho du lịch xứ Thanh, làm thay đổi diện mạo cho du lịch Sầm Sơn.

Quần thể FLC Sầm Sơn bao gồm khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Fusion Resort Samson, sân golf 18 lỗ dạng links, nhà câu lạc bộ golf rộng hơn 8.000 m2, khu resort 5 sao cao cấp gần 100 phòng mang thương hiệu Fusion, khách sạn 5 sao với gần 600 phòng mang thương hiệu À La Carte, bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam có diện tích 5.000m2...

Nhằm đa dạng hóa các hoạt động trong Năm du lịch quốc gia 2015, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm mới, đặc biệt là đưa vào khai thác 11 tour, tuyến du lịch trọng điểm nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch nội tỉnh đặc trưng mà không kém phần đa dạng của Thanh Hóa tới du khách trong và ngoài nước.

Thanh Hóa cũng tập trung mạnh vào công tác phát triển hạ tầng giao thông đến các khu, điểm, tuyến du lịch nối với các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang đẩy mạnh việc liên kết phát triển du lịch với một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Ninh Bình và các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ trong việc quảng bá, xúc tiến, cũng như phát triển sản phẩm, thị trường du lịch.

Dù sở hữu nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, song du lịch xứ Thanh vẫn được nhận định là chưa tương xứng với tiềm năng. Mục tiêu quan trọng nhất của Năm du lịch quốc gia 2014 chính là thu hút khách du lịch đến với địa phương, đặc biệt là khách quốc tế, nhưng trên thực tế, du khách đến các điểm du lịch Thanh Hóa vẫn chỉ là khách nội địa, ngày lưu trú ít, khách quốc tế có tăng nhưng chưa được như mong đợi.

Du lịch biển là thế mạnh của Thanh Hóa nhưng tỉnh chỉ làm du lịch biển được khoảng 3 tháng Hè, hết Hè là hết khách.

Cùng với việc đăng cai tổ chức sự kiện Năm du lịch quốc gia 2015, Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện song tỷ lệ sự kiện du lịch chuyên sâu còn ít, có những hoạt động thiếu sự hấp dẫn, chỉ mới dừng lại ở bước phục vụ quan khách và nhân dân địa phương.

Cơ sở hạ tầng tuy có nhiều thay đổi nhưng có những thời điểm vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu du lịch; sự liên kết vùng chưa cao, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù để thực sự thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, những người làm du lịch ở Thanh Hóa, nhất là người dân địa phương ở các vùng có tiềm năng du lịch chưa thật sự ứng xử với du lịch như một ngành kinh tế mang lại lợi nhuận cho mình.

Thanh Hóa cũng cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng dự án, chương trình du lịch, phối hợp với doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các sản phẩm tour, tuyến, đưa ra các gói kích cầu du lịch để thu hút thêm khách du lịch đến với Thanh Hóa trong tương lai.

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khẳng định, để đạt được mục tiêu thu hút 100.000-120.000 lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 5-5,3 triệu lượt khách nội địa và tới năm 2020 thu hút 200.000-250.000 lượt khách quốc tế, phục vụ 8,0-9,0 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ khách du lịch đạt 158,6 triệu USD và nâng lên hơn 403 triệu USD năm 2020, từ nay đến cuối năm, Thanh Hóa tiếp tục tổ chức tốt chuỗi các sự kiện còn lại của Năm du lịch quốc gia, tạo bước đột phá mới trong phát triển du lịch của Thanh Hóa trong năm 2015, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Thanh Hóa cũng tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tiếp tục tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của du lịch, quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch và đa dạng hơn nữa các sản phẩm du lịch.

Năm du lịch quốc gia 2015 mới đi được hơn nửa chặng đường, song những tín hiệu vui từ hoạt động du lịch đã cho thấy Năm du lịch quốc gia không chỉ góp phần đem lại một hình ảnh mới cho du lịch xứ Thanh, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, mà còn tạo chuyển biến trong phát triển du lịch cũng như trong nhận thức của các cấp, các ngành và của người dân Thanh Hóa về vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế du lịch./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục