'Sải cánh vươn cao': Chương trình Tết lấy cảm hứng từ những chuyến bay

Chương trình điểm lại những dấu ấn nổi bật trong năm qua và gửi gắm thông điệp tích cực đón chào năm mới với những thắng lợi mới. Chương trình có thời lượng 90 phút, lên sóng vào tối Giao thừa.
Nhà báo Trần Mai Hưởng và nhà báo Giản Thanh Sơn cùng ekip trên xe bus hai tầng. (Ảnh: VNEWS)

Lần đầu tiên Truyền hình Thông tấn thực hiện một phóng sự đặc biệt, ghi hình tại một “trường quay” đặc biệt. Đó chính là trên chuyến bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh khi phía Nam vừa trải qua “cơn ác mộng” kinh hoàng mang tên COVID-19.

Cuộc trò chuyện trên máy bay giữa biên tập viên Truyền hình Thông tấn-MC Thùy Ngân và nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam là phần mở đầu của chương trình "Sải cánh vươn cao."

Chương trình có thời lượng 90 phút, lên sóng vào 18h ngày 31/1 (29 tháng Chạp) và phát lại trong sáng mùng Một Tết Nhâm Dần.

Bức tranh toàn cảnh năm Tân Sửu

Hình ảnh chủ đạo của chương trình "Sải cánh vươn cao" được lấy cảm hứng từ những chuyến bay giải cứu công dân, chi viện nhân viên y tế để tăng cường dập dịch, nối cầu hàng không, bay thẳng liên lục địa... trong một năm đầy khó khăn thử thách.

Hơn 20 phóng sự chân dung, luận đề, tổng hợp sẽ được đan xen lồng ghép, để cùng minh họa cho những trải nghiệm của ba nhà báo từ Bắc vào Nam: Biên tập viên Truyền hình Thông tấn-MC Thùy Ngân và hai nhà báo kỳ cựu Trần Mai Hưởng-Giản Thanh Sơn.

Cảnh quay thực hiện trên chuyến bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: VNEWS)

Chương trình phác họa bức tranh toàn cảnh năm Tân Sửu vừa qua, khoảng thời gian cả hệ thống chính trị và người dân tiếp tục kiên cường trong chống dịch để không một ai bị bỏ lại phía sau. Vượt lên muôn ngàn gian khó, tâm hồn ý chí Việt Nam ngời sáng tinh thần chung sức đồng lòng, nhân hậu, lạc quan, vị tha, vươn lên mạnh mẽ để đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, "sải cánh vươn cao."

Sẽ không dễ dàng cho ekip thực hiện chương trình, khi thực hiện ghi hình trong bối cảnh nhiều địa phương có những quy định khác nhau về giãn cách chống dịch. Hàng chục biên tập, phóng viên, quay phim, kỹ thuật của Truyền hình Thông tấn đã vượt qua khoảng cách xa xôi về địa lý, vừa tuân thủ điều kiện phòng dịch cho bản thân, khách mời, vừa lăn xả, đeo bám hiện trường để có được các cảnh quay sinh động, ấn tượng.

Ông Hoàng Giang, Phó Giám đốc Truyền hình Thông tấn, chịu trách nhiệm sản xuất cho hay có những cảnh được ghi hình được tính toán, lên lịch ghi hình trước cả tháng, với không ít điều chỉnh lại kịch bản do khách mời không thể tham gia. Có những trường đoạn phải đợi sát chiều ba mươi Tết mới có thể hoàn thiện để mang đến âm hưởng Tết đến Xuân về.

[Truyền hình Thông tấn sẽ thực hiện loạt phóng sự chống mê tín dị đoan]

Mang dáng dấp của talk show chính luận nghệ thuật, “Sải cánh vươn cao” mang đến sự khác biệt, bởi không gian chính của chương trình không diễn ra trong trường quay như thường lệ, mà được ghi hình tại hiện trường với nhiều bối cảnh sống động như phòng chờ cảng hàng không, trên máy bay, taxi công nghệ, xe bus 2 tầng, tuyến bus đường sông, quán cà phê, trung tâm hành chính, siêu thị...

Biên tập viên Truyền hình Thông tấn-MC Thùy Ngân và hai nhà báo kỳ cựu Trần Mai Hưởng-Giản Thanh Sơn. (Ảnh: VNEWS)

Với ba phần Dấu ấn-Sải cánh-Vươn cao, người xem sẽ gặp lại những nhân vật truyền cảm hứng của năm 2021 như nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn, anh Hoàng Tuấn Anh với các ATM gạo, ATM oxy…

Đan xen giữa những bài tổng hợp sự kiện chính trị quan trọng, chân dung nhân vật, mô hình kinh tế, giải pháp công nghệ... là những phóng sự văn hóa, tiết mục văn nghệ hợp "khẩu vị" khán giả trong một "thực đơn" của chương trình Tết cổ truyền, trong đó có những ca khúc gây được tiếng vang trong năm qua như: “Sài Gòn tôi sẽ,” “Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay”…

“Sải cánh vươn cao” được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công của các chương trình Tết: “Đất nước nhìn từ biển” (2018), “Hạnh phúc trọn vẹn” (2019), “Bản giao hưởng xanh” (2020), “Vượt bão” (2020),  “Cung đàn xuân” (2021)… của Truyền hình Thông tấn, mở hàng cho những chương trình thời sự và chuyên đề với những nỗ lực không ngừng đổi mới chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, trong năm 2022.

Poster chương trình. (Ảnh: VNEWS)

Ông Hoàng Giang cho hay thời gian chuần bị cho chương trình đã được lãnh đạo Truyền hình thông tấn chỉ đạo từ trung tuần tháng 11. Đầu tháng 1/2022, các nhóm phóng viên đã lên kế hoạch triển khai sau khi đã trao đổi và lên ý tưởng nhiều lần. Ekip tổ chức chương trình luôn phải theo sát diễn biến dịch bệnh để điều chỉnh chương trình cho phù hợp, trong quá trình thực hiện các cảnh quay được ekip tính toán kỹ để làm sao tránh những chỗ đông người và đảm bảo an toàn 5K.

Những ‘trường quay’ đặc biệt

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, nhà báo Giản Thanh Sơn và nhà báo Trần Mai Hưởng cho hay họ hào hứng nhận lời tham gia chương trình ngay khi nghe ý tưởng từ nhà báo Hoàng Giang bởi đây là một chương trình ý nghĩa, mang những thông điệp tích cực.

“Ekip Truyền hình Thông tấn làm việc rất chuyên nghiệp, sáng tạo, đảm bảo an toàn cho cả đoàn và vẫn có những khung hình quý giá, được quay từ những địa điểm khác nhau, có những góc máy rất độc đáo từ trên chuyến bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, trên tuyến xe bus đường sông, trên nóc xe bus hai tầng… Từ đó, những câu chuyện được kể một cách tự nhiên, sống động, không gây nhàm chán cho khán giả,” nhà báo Giản Thanh Sơn chia sẻ.

Biên tập viên Truyền hình Thông tấn-MC Thùy Ngân và nhà báo Trần Mai Hưởng.(Ảnh: VNEWS)

Cá nhân ông thấy hành trình này rất thú vị. Ngắm nhìn thành phố từ trên xe bus hai tầng, ông xúc động nhận thấy rõ thành phố quen thuộc của mình đang hồi sinh, dấu ấn Sài Gòn đang vươn lên mạnh mẽ.

“Thành phố này đã trải qua những đau thương khủng khiếp nhưng kinh tế xã hội đang dần dần phục hồi, hướng tới những thành tựu mới, đó là điều chúng ta đều hy vọng khi một năm mới đang tới gần,” ông nói.

Nhà báo cho rằng chủ đề “Sải cánh vươn cao” không chỉ gợi hình ảnh của những chuyến bay đặc biệt mà còn là ẩn dụ cho sự phát triển vươn ra thế giới, hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Nhà báo Trần Mai Hưởng thì đánh giá chương trình đã điểm lại những hình ảnh và sự kiện rất nổi bật như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, việc ngoại giao vaccine, những lực lượng tuyến đầu chống dịch, nghệ thuật xòe Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, xu thế chuyển đổi số…

Trong những sự kiện đó, điều mà ông ấn tượng nhất là những cuộc vi hành không báo trước của Thủ tướng đến các điểm nóng về dịch bệnh.

“Tôi rất bất ngờ với cường độ làm việc và sức khỏe của người đứng đầu Chính phủ trong thời gian đó và tôi thấy cách làm việc đó mang lại hiệu qủa tích cực, bởi Thủ tướng đã nhìn thấy được rất nhiều bất cập mà có thể lãnh đạo các địa phương không nhìn thấy,” ông chia sẻ.

Chuyến ghi hình diễn ra khẩn trương trong 4 ngày. Cảnh quay cuối được thực hiện tại Dinh Độc lập, sau đó, cả đoàn ra thẳng sân bay để trở về Hà Nội.

Khi chia tay, nhà báo Giản Thanh Sơn gửi tặng các nhà báo Hà Nội một gốc mai vàng tượng trưng cho nắng ấm phương Nam.

“Nhìn thấy hoa mai là thấy Tết, thấy niềm vui và hy vọng khi Xuân mới đang về. Chương trình ý nghĩa này sẽ là lát cắt giúp quý khán giả cùng chúng tôi nhìn lại năm Tân Sửu vừa qua với những cảm xúc không quên, để mở lòng bao la cùng đất trời vào Xuân. Cùng chúc cho mọi nhà khỏe mạnh, bình an, chúc cho tất cả chúng ta cùng bước sang năm mới Nhâm Dần với những khát vọng phát triển phồn thịnh và bền vững,” nhà báo Giản Thanh Sơn chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục