SADC họp khẩn cấp về khủng hoảng chính trị tại Lesotho

Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi đã tiến hành một cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Pretoria của Nam Phi để tìm giải pháp hòa bình cho bế tắc chính trị hiện nay ở Lesotho.
SADC họp khẩn cấp về khủng hoảng chính trị tại Lesotho ảnh 1Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (trái), Thủ tướng Lesotho (giữa) Thomas Thabane và Tổng thống Botswana Ian Khama. (Nguồn: AFP)

Sau nhiều tuần đàm phán không đạt kết quả, ngày 15/9, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC) đã tiến hành một cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Pretoria của Nam Phi để tìm giải pháp hòa bình cho bế tắc chính trị hiện nay ở Lesotho.

Đây là cuộc họp khẩn lần thứ hai của tổ chức này sau khi quân đội Lesotho tiến hành đảo chính hồi cuối tháng Tám vừa qua, khiến Thủ tướng Thomas Thabane phải chạy sang Nam Phi và làm tê liệt hoạt động của chính phủ trung ương.

Tham dự cuộc họp có Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, hiện là Chủ tịch SADC, Tổng thống Botswana Ian Khama, Thủ tướng và Phó Thủ tướng của Lesotho.

Trong phát biểu khai mạc, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, người đang giữ chức Chủ tịch Cơ quan Chính trị, An ninh và Quốc phòng (Troika) của SADC, bày tỏ tin tưởng rằng hội nghị lần này sẽ tìm ra một giải pháp cho các thách thức tại Lesotho.

Theo Bộ trưởng Quan hệ và Hợp tác quốc tế Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane, Lesotho cần tập trung vào "các cuộc bầu cử tự do, công bằng và dân chủ" trước thời hạn năm 2017 để bầu ra một ban lãnh đạo mới thay thế chính phủ liên minh hiện đang bị tê liệt hoàn toàn.

Ông Nkoana-Mashabane cho biết kế hoạch bầu cử trước thời hạn này sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, các lãnh đạo SADC sẽ triển khai một phái bộ quan sát viên, do Nam Phi dẫn đầu và có sự tham gia của Zimbabwe, tới Lesotho trong ba tháng để gìn giữ hòa bình và ổn định. Ông Nkoana-Mashabane cũng khẳng định rằng SADC sẽ không đưa binh lính vào Lesotho.

Ngày 30/8, quân đội Lesotho đã chiếm một số chốt cảnh sát và một số tòa nhà trọng yếu của chính quyền. Nhà riêng của Thủ tướng Thabane cũng bị bao vây, trong khi một cuộc nã súng đã xảy ra tại nhà của Trung tướng Maaparankoe Mahao, người được ông Thabane bổ nhiệm làm Tư lệnh quân đội, thay cho Trung tướng Tlali Kamoli.

Thủ tướng Thabane cũng cáo buộc Phó Thủ tướng Mothejoa Metsing phối hợp với Tướng Kamoli tiến hành đảo chính. Tuy nhiên, ông Metsing cho rằng quyết định của Thủ tướng Thabane đình chỉ hoạt động Quốc hội hồi tháng Sáu đã gây ra tình trạng rối loạn hiện nay.

Cảnh sát Lesotho thông báo đã mở một cuộc điều tra hình sự về các sự kiện ngày 30/8. Cảnh sát trưởng quận Maseru, nơi trụ sở cảnh sát bị quân đội tấn công làm một sỹ quan thiệt mạng và tám người bị thương, cho biết "đây là các hành động bất hợp pháp và phạm tội hình sự."

Troika đã đứng ra làm trung gian cho cuộc khủng hoảng nói trên và đã tổ chức họp khẩn cấp ngay sau khi xảy ra sự việc, đề nghị ông Thabane về nước và nối lại hoạt động của quốc hội.

Tổng thống Zuma đã tới Lesotho hồi tuần trước và đặt hạn chót đến ngày 12/9 phải thực hiện thỏa thuận hòa bình, nhưng Lesotho đã bỏ lỡ hạn chót này.

Đến nay, Thủ tướng Thabane vẫn không nối lại hoạt động của quốc hội trong khi Tướng Kamoli kiên quyết không từ chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục