Sách mới tiết lộ chuyện 'đời bay' của phi công anh hùng Nguyễn Đức Soát

Trong cuốn sách “Bầu trời – Trường đại học của tôi,” Trung tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát tiết lộ nhiều bài học, trải nghiệm trong quá trình lái máy bay chiến đấu.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát bên góc lưu niệm những món quà, kỷ niệm về 'đời bay.' (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

“Nhiều người cho rằng nghề nghiệp chỉ là một phần cuộc đời của chúng ta. Từ đáy lòng, tôi không quan niệm như vậy. Bởi từ khi trở thành phi công, tôi không thể tách mình khỏi bầu trời, tưởng như bầu trời đã là môi trường sống thứ hai của mình vậy.”

Đó là những gì Trung tướng, Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát chia sẻ trong buổi ra mắt sách “Bầu trời – Trường đại học của tôi” ngày 14/12 tại Hà Nội.

Ông ví von rằng bầu trời và phi công như một thực thể thống nhất, bầu trời như trường đại học lớn của cuộc đời mà ông không ngừng học tập và không thể tách mình ra khỏi.

Cách đây 4 năm, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020), Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã ra mắt “Nhật ký phi công tiêm kích,” là những suy tư, trải lòng trước diễn biến thời cuộc của cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, của một học viên chập chững bay trên không trung, của một phi công mới còn đầy bỡ ngỡ.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát (thứ ba từ trái sang) chia sẻ về cuốn sách mới của mình. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của ông đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc.

Nay, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông tiếp tục cho ra mắt bạn đọc “Bầu trời – Trường đại học của tôi,” đi sâu vào câu chuyện “đời bay” một của phi công chiến đấu huyền thoại cùng với những mảnh ký ức sâu đậm, tràn đầy tình cảm về quê hương-gia đình-bạn bè.

Bạn đọc còn được biết thêm những câu chuyện đầy tinh thần nhân văn về giai đoạn hậu chiến-hòa giải giữa các phi công Mỹ-Việt Nam.

Cuốn sách mới của Trung tướng Nguyễn Đức Soát. (Ảnh: NXB)

Chia sẻ về cuốn sách, Anh hùng phi công Lê Thanh Đạo, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nói: “Tình yêu và hạnh phúc anh có được trong cuộc sống luôn có sự gắn kết với công việc, với bầu trời. Và quê hương, gia đình đã luôn là điểm tựa để anh vươn lên. Quả thật, chính bầu trời đã là một trường đại học đặc biệt để Nguyễn Đức Soát có được điều kiện để mà trui rèn, để phấn đấu, và anh xứng đáng là một sinh viên xuất sắc.”

Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà thơ Hữu Việt cho rằng tướng Soát “ẩn thân” tối đa khi kể câu chuyện của mình. Ông dành những trang viết hay nhất ngợi ca đồng đội, tri ân những người chỉ huy tài giỏi mà ông vô cùng khâm phục, bởi ông quan niệm rằng, chính họ là những người tác thành tình yêu bầu trời của ông được trọn vẹn.

“Sự khiêm nhường tinh tế ấy là phẩm chất quan trọng của người viết hồi ký, nó không hạ thấp cái tôi của tác giả mà khiến cho người đọc nhìn nhận tác giả ở tầm cao hơn trong sự tin cậy tác phẩm,” nhà thơ Hữu Việt nhận định./.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới ở tuổi 27. Ông đã miệt mài học tập để làm chủ những thuật lái phức tạp, cộng với linh cảm tuyệt vời trong những khoảnh khắc cam go nhất, ông đã sáng tạo ra những động tác bay ảo diệu kết hợp tài xạ kích hiếm có, bắn hạ máy bay đối phương trong những tình huống không tưởng.

Trong đời bay của mình tướng Soát đã chinh phục tất cả các biến thể của tiêm kích MiG-21, tiêm kích bom SU-22M4, tiêm kích đa năng thế hệ thứ tư SU-27. Ông từng bay trên chiếc LAVI của không quân Israel (một phiên bản mới của máy bay F-16 của Mỹ) cùng với phi công Do Thái… Có lẽ hiếm phi công nào đã bay được và được bay nhiều loại máy bay như thế. Ông còn là vị tướng hiếm hoi khi đã ở cương vị Tư lệnh Quân chủng Không quân vẫn tham gia bay huấn luyện chiến đấu như những phi công bình thường.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục