Nhà báo lão thành Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam vừa ra mắt cuốn sách “Theo dấu chân người.” Đây là tác phẩm đầu tiên ông viết ở thể loại du ký, sau khi đã in hàng loạt truyện ngắn, thơ, bút ký...
Cuốn sách dày gần 300 trang, gồm hơn 70 bài viết, là kết quả của các chuyến đi cùng bạn bè đến các vùng miền trong cả nước, từ Lũng Cú, Mèo Vạc (Hà Giang) đến Ngã Ba Đông Dương, miền Tây sông nước, phía Nam Tổ quốc và cả khu vực biển đảo.
Tác giả cho hay người truyền cảm hứng nhiều nhất cho ông trong những chuyến đi là nhà báo Ngô Hà Thái, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Họ đã đồng hành trên nhiều chặng đường, nhiều chuyến đi với đam mê xê dịch của mình. Ông Ngô Hà Thái thường là người cầm lái, cũng phụ trách việc lên lịch trình cho chuyến đi và ông làm việc này một cách chính xác đến từng phút.
“Có một tiêu chí xuyên suốt những chuyến đi. Đó là chúng tôi chọn những danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên mang đậm những giá trị lịch sử và bản sắc văn hoá,” nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ.
Thông qua các bài viết, độc giả có thể nhận thấy rằng không có chuyến đi nào tác giả chỉ vãn cảnh đơn thuần. Ông miêu tả phong cảnh đồng thời cũng cung cấp nhiều thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa, danh nhân ở mỗi điểm đến.
Chẳng hạn, nhà báo Trần Mai Hưởng vào Quảng Trị thăm bến Hiền Lương, biển Cửa Tùng, viếng nghĩa trang Trường Sơn; ra Quảng Bình thăm Phong Nha-Kẻ Bàng; dừng ở Hà Tĩnh viếng mộ đại thi hào Nguyễn Du. Ông cùng những người bạn đồng hành cũng thăm lại chiến khu “sắc chàm pha màu gió” Bắc Sơn-Lạng Sơn; đón mùa nước đổ ở Mù Cang Chải; thăm rừng trà cổ Suối Giàng-Yên Bái; săn mây ở Tà Xùa-Sơn La; lên núi Ngoạ Vân, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành; đến Vân Đồn, Quảng Yên tìm dấu tích các trận Bạch Đằng xưa...
Có những địa danh dù đến nhiều lần song ông vẫn thấy lưu luyến muốn trở lại, có những nơi ông phải dày công nghiên cứu để hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, Lục Đầu Giang là một ví dụ. Ông thậm chí đã phải vẽ bản đồ vùng đất này để hình dung ra được địa thế bởi khu vực này khá phức tạp, là giao điểm của nhiều địa danh, cũng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Bình Than…
“Bên này sông là vùng Kinh Bắc giàu bản sắc. Bên kia là đền Kiếp Bạc, núi Côn Sơn, những địa danh nổi tiếng trong sử sách. Phía xa, nơi cầu Bình Than bắc ngang sống, đền Tam Phủ cũng ngay trong tầm mắt. Về mặt phong thủy, Lục Đầu Giang là một dòng sống rất đặc biệt trên một vùng địa linh, nhân kiệt của đất nước ta. Đây là nơi hội tụ của sáu dòng sông: Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình,” ông viết.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhà báo Trần Mai Hưởng cho hay qua những chuyến đi, ông được nhìn ngắm cảnh đẹp non sông gấm vóc, tìm hiểu thêm về lịch sử đất nước, con người, từ đó ông thêm tự hào và yêu Tổ quốc. Đó cũng chính là tinh thần và cảm hứng mà ông muốn lan tỏa đến độc giả thông qua cuốn sách này.
“Văn hoá là căn cước cho mỗi dân tộc trong quá trình hội nhập, mất bản sắc văn hoá là mất tất cả. Đó là những nhận định về tầm quan trọng của văn hóa. Cuốn sách nhỏ này là sự chia sẻ, khích lệ của tôi gửi đến độc giả rằng hãy đi nhiều hơn, khám phá lịch sử, văn hóa của đất nước nhiều hơn để thêm trân quý và tự hào,” nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ.
Sách do Công ty Tinh Văn Books và Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết ấn hành, giá bìa 120.000 đồng./.
Hồi ký của nhà báo Trần Mai Hưởng: Chuyện những người đưa tin trong lửa đạn
Nhà báo Trần Mai Hưởng đã hồi tưởng lại hành trình cùng các đồng nghiệp đi qua những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ của những người đưa tin trong lửa đạn.