Sách của nhà báo Hà Hồng Hà: Tập hợp kinh nghiệm chống tham nhũng từ quốc tế

Cuốn sách là bức tranh đa màu sắc về phòng chống tham nhũng với các phương pháp khác nhau của nhiều quốc gia, từ Anh, Đức, Nga cho tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và cả Bhutan - quốc gia hạnh phúc.
Cuốn sách đề cập các câu chuyện, sự kiện, nhân vật trong các vụ án tham nhũng nổi tiếng cũng như giải pháp chống tham nhũng thành công ở một số quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến thông tin, tài liệu về phòng, chống tham nhũng đến bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản có sửa chữa, bổ sung cuốn sách “Tham nhũng: Mưu mô và trừng phạt” của nhà báo Hà Hồng Hà.

Theo thông tin từ nhà xuất bản, cuốn sách chủ yếu đề cập các câu chuyện, sự kiện, nhân vật trong các vụ án tham nhũng nổi tiếng cũng như công cuộc và giải pháp chống tham nhũng thành công ở một số quốc gia đồng thời mô tả sự khốc liệt của cuộc chiến này cả về phương diện pháp lý và thực tiễn.

Những kinh nghiệm quý báu của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Australia, Singapore, Đan Mạch, New Zealand, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Anh... có thể là bài học tham khảo hữu ích với Việt Nam.

Bên cạnh đó, bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách một số thông tin về chế tài pháp luật đối với tội danh tham nhũng, hối lộ trên thế giới.

Cuốn sách cũng dành những bài viết về các vụ việc trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đặc biệt là bài viết về sự kiên định và ý chí sắt đá của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc đẩy lùi tham nhũng ở nước ta.

Viết lời giới thiệu cho cuốn sách, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cuốn sách của nhà báo Hà Hồng Hà có thể xem là một nét khá độc đáo và khác lạ trong hàng loạt các tài liệu về phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Cuốn sách thu hút người đọc ngay từ cái tên. Nó cho thấy, có lẽ đây sẽ không phải là một nghiên cứu có phần khô khan nặng về lý thuyết, biện luận, số liệu và dẫn chứng như nhiều tài liệu khác, mà sẽ là sự pha trộn giữa bình luận báo chí, sự phóng khoáng của văn học và một chút gì đó khá... phiêu lưu.

“Cuốn sách là bức tranh đa màu sắc về phòng, chống tham nhũng với các phương cách khác nhau của nhiều quốc gia, tổ chức, từ Anh, Đức, Nga cho tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và cả Butan - quốc gia hạnh phúc, dẫn dắt bạn đọc khám phá một cách ngẫu hứng từ kinh nghiệm này tới kinh nghiệm khác,” ông Phạm Duy Đức cho biết.

Theo đó, bạn đọc không cần phải chú tâm đọc từ đầu tới cuối mà có thể đọc bất cứ phần nào nếu thấy hứng thú. Chẳng hạn, nếu bạn đọc quan tâm đến Đan Mạch, có thể đọc ngay ở đầu cuốn sách, nhưng nếu tò mò với Malaysia, có thể giở đến cuối cuốn sách, hoặc tìm đến Australia xem nhà báo hoạt động như thế nào trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Duy Đức, đọng lại sau cùng là hiểu biết về cuộc chiến chống tham nhũng đa dạng trên thế giới, rất phức tạp và khó khăn nhưng nếu có phương pháp phù hợp, nhất định sẽ hiệu quả.

Có những thành công và cả những thất bại, sẽ là bài học để mỗi người tự chiêm nghiệm khi liên hệ đến cuộc chiến chống tham nhũng ở nước mình. Qua đó, chúng ta có một cái nhìn tích cực, lạc quan hơn về tương lai, bởi có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, ví dụ như Hong Kong (Trung Quốc), tham nhũng từng rất nghiêm trọng, nhưng với quyết tâm và giải pháp đúng, họ đã thành công.

“Cuốn sách còn khẳng định giá trị của một nền công vụ minh bạch, ít tham nhũng mà mọi nhà nước cần theo đuổi, nếu muốn tồn tại và phát triển,” ông Phạm Duy Đức nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục