Mộc mạc, chân thực nhưng cũng đầy cảm xúc là cảm nhận chung của nhiều người xem khi đến với triển lãm Sắc màu Quê hương lần thứ 7 của các họa sỹ làng họa Cổ Đô, huyện Ba Vì, khai mạc ngày 5/8 tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Nối tiếp thành công của 6 kỳ triển lãm trước, tại triển lãm Sắc màu quê hương 7, Ban tổ chức đã lựa chọn trưng bày 37 tác phẩm tiêu biểu giàu giá trị nghệ thuật, thuộc nhiều thể loại của 31 hội viên Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô.
Họa sỹ Hoàng Tuấn Việt, Chủ tịch Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô nhấn mạnh: “Triển lãm Sắc màu quê hương 7 phản ánh cuộc sống, con người và thiên nhiên vùng quê Cổ Đô và xứ Đoài mây trắng. Các tác phẩm với nhiều phong cách và chất liệu khác nhau như màu sơn dầu, acrylic, bút bi… phần nào khẳng định phong trào mỹ thuật của câu lạc bộ ngày một phát triển và chất lượng hơn, xứng với truyền thống của quê hương Cổ Đô - Làng hoạ sỹ."
“31 họa sỹ với những phong cách, cá tính, bút pháp khác nhau, nhưng đều chung một niềm đam mê mãnh liệt với hội họa, vẽ bằng tâm tư tình cảm của mình, với những rung động về cuộc sống xung quanh, để tôn vinh vẻ đẹp của con người, thiên nhiên, đất nước,” họa sỹ Hoàng Tuấn Việt chia sẻ thêm.
[Ghé thăm lớp dạy vẽ miễn phí cho thiếu nhi ở làng họa sỹ Cổ Đô]
Xem triển lãm tranh, người xem bắt gặp ở đó những hình ảnh về cuộc sống con người, thiên nhiên vùng quê Cổ Đô và xứ Đoài thân thương.
Đó là vẻ đơn sơ mộc mạc ngàn đời của làng xóm hiển hiện qua "Hương quê" (Phùng Đức), "Bóng thu" (Hứa Dũng), "Thung lũng bình yên" (Trọng Tình), "Tháng Ba - Mùa hoa gạo" (Lê Thắng); khung cảnh sông nước bình yên trong "Một thoáng Hồ Tây" (Duy Lê), "Xóm vạn chài Hà Nội" (Nguyễn Huynh Mai); cuộc sống đời thường được khắc họa trong "Tiếng đàn bầu" (Hoàng Tuấn Việt), "Mưu sinh" (Hoàng Tùng), "Chợ miền núi" (Nguyễn Ngọc Thạch) hay những bức tranh tĩnh vật nhều màu sắc như "Sau vườn nhà" (Nguyễn Lưỡng), "Diên vĩ ngược nắng" (Lương Công Sơn Tuyền), "Hoa nắng" (Trường Yên), "Miền ký ức"(Tô Nhạn)…
Cổ Đô, thuộc xã Cổ Đô ở huyện Ba Vì, là một làng quê yên ả trải dài ven đê sông Hồng, nơi giao thoa giữa ba con sông lớn với Ngã ba Hạc nổi danh. Đây là làng lụa, làng thơ, làng nghề làm bún truyền thống, vùng đất của những danh nhân với các tên tuổi Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, Thượng thư Nguyễn Bá Lân.
Nơi đây còn được mệnh danh là làng họa sỹ vì sản sinh ra nhiều họa sỹ tài hoa. Gọi Cổ Đô là “làng họa sỹ” vì cả làng có khoảng 1.000 nóc nhà, với gần 5.000 hộ dân nhưng gần như nhà nào cũng có người cầm cọ vẽ tranh. Trong số đó, có nhiều người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Người đi tiên phong để làm nên làng họa ven sông là danh họa Sĩ Tốt - một người con của làng. Ông được coi là người "khởi nghiệp" hội họa của làng Cổ Đô. Với gần 1.000 bức tranh được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sỹ của mình, tên tuổi và vị trí của Sĩ Tốt được ghi nhận trong lịch sử Mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ông đã dìu dắt lớp lớp họa sỹ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và được khẳng định trong giới họa sỹ.
Chủ nhiệm câu lạc bộ mỹ thuật Cổ Đô Hoàng Tuấn Việt cho biết xã Cổ Đô hiện có hai bảo tàng hội họa là Bảo tàng Sỹ Tốt và Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô, cùng nhiều phòng tranh gia đình.
Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, là nơi trưng bày các tác phẩm của những người dân Cổ Đô yêu nghệ thuật hội họạ.
Riêng Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô hiện có 37 họa sỹ tham gia sinh hoạt, trong đó có 8 họa sỹ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 2 họa sỹ là Hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các buổi đi trực họa và tham gia nhiều triển lãm ở nhiều địa phương trên cả nước.
Từng nhận xét về tranh của các họa sỹ Cổ Đô, họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng có lẽ do đất đai, phong thủy đã ban tặng cho Cổ Đô nét hiền hòa thơ mộng với nhiều nghề truyền thống, với các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc nên tâm hồn người Cổ Đô cũng bay bổng và đầy sáng tạo.
“Nghệ thuật ở làng Cổ Đô vẫn giữ nguyên được cái hồn cốt của tâm hồn Việt, của mỹ cảm Việt và bản thân chính sự nuôi dưỡng này cũng làm nên những cái nhìn hết sức trong trẻo, bình dị và mộc mạc. Nét bút ở đây có thể vụng về nhưng đây là cảm xúc, là cái nhìn của họ cho nên chính điều đó đã tạo ra một sự quyến rũ riêng. Đây là điều hết sức thú vị, đặc sắc, có một cái duyên riêng trong toàn cảnh của nền văn hóa Việt Nam” - họa sỹ Lương Xuân Đoàn nhìn nhận./.