Qua “ma trận chỉ dẫn” cho thuê phòng trọ giăng khắp lối, cuối cùng chúng tôi tìm được con ngõ nằm đối diện cổng Bệnh viện K, Hà Nội. Những bước chân vội vã, từng khuôn mặt bơ phờ; tiếng nói chuyện xôn xao của các bệnh nhân từ viện về sau mỗi ca điều trị; tiếng chào mời thuê phòng trọ vang vọng từ con ngõ nhỏ… Đó là tất cả những thanh âm hiện diện ở xóm trọ buồn nhất Hà thành, nơi được định danh bằng cái tên “xóm chạy thận,” “xóm ung thư.”
Giữa Thủ đô đang chuyển mình mạnh mẽ với những tòa nhà chọc trời hiện đại, vẫn có những dãy nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp, nơi mà mùa Đông gió luồn khe lạnh buốt, mùa Hè nắng nóng bỏng rát. Đáng nói là, ở nơi đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết của những bệnh nhân không may mắc bệnh hiểm nghèo mặc dù rất mong manh nhưng họ vẫn khát khao sống mạnh mẽ.
Bám trụ cùng ‘án tử’ nơi những ngõ tối
Từ Ninh Bình lên thuê trọ điều trị ở Bệnh viện K, ông Trường (ngoài 60 tuổi) cho biết mới phát hiện bệnh cách đây gần tháng, nhưng khi biết cũng đã muộn. “Dân lao động chúng tôi đi làm có khi nào đi khám đâu, chỉ đến lúc biết đau, vào viện thì cũng giai đoạn cuối rồi,” ông Trường thở dài nói tiếp: “Ung thư nó không tha ai đâu, chỉ là vận đen nó rơi vào mình thì đành chịu.” Khuôn mặt gầy gò, hốc hác ông Trường hằn lên những nếp nhăn sâu như những đường rãnh khắc khổ của cuộc đời lam lũ. Đôi mắt trũng sâu, đượm buồn nhìn xa xăm…

Cùng phòng ông Trường là một bệnh nhân 67 tuổi mắc ung thư vòm họng, mới từ Thanh Hóa ra Hà Nội điều trị được nửa tháng. Ông nằm im lìm, thân hình gầy guộc, da xanh xao, cổ sưng vù. Những vết sẹo lồi lõm chằng chịt và thâm tím do xạ trị. Căn bệnh quái ác khiến người đàn ông dù rất cố gắng cũng không thể phát âm rõ lời.
Nói đỡ cho người bạn cùng phòng, ông Trường kể: “Ông ấy ho ra máu, đi khám thì mới biết ung thư vòm họng. Cái bệnh quái quỷ này có ốm đau gì đâu để người ta biết sớm. Đến lúc sút cân dai dẳng, thì sự đã rồi.”
Hỏi tên người bạn già, ông Trường cũng không biết, bởi ở nơi sự sống và cái chết cách nhau chỉ gang tấc, người ta cũng không quan tâm gì hơn câu chuyện sinh mệnh. Nếu nỗi thương cảm thường trào dâng khi chúng ta thăm hỏi người già ốm bệnh, thì khi chứng kiến những đứa trẻ non nớt đã phải chiến đấu để giành giật sự sống, cảm giác thật sự xót xa, đau lòng.
Trong khu xóm K, nhà trọ Từ Tâm là mái ấm của 22 bệnh nhi cùng phụ huynh đang phải từng ngày chiến đấu với bệnh tật. Chị Nguyễn Thị Ngọc (quê Thái Bình) dẫn chúng tôi đi thăm dãy trọ hai tầng miễn phí cho bệnh nhi. Mỗi phòng ở đây được sắp xếp giường tầng tùy diện tích, có phòng chỉ vỏn vẹn 6m², đủ kê một giường cho hai cặp mẹ con.

Căn phòng cuối cùng, nơi con trai chị Ngọc, Nguyễn Xuân Trường (16 tuổi), đang điều trị ung thư ác tính. Một bên mặt băng kín, Trường rụt rè khi thấy khách lạ. Lau vội nước mắt, chị Ngọc kể: “Cuối 2022 đến tháng 8/2023, Trường trải qua ba cuộc đại phẫu, cắt bỏ mắt, xương má, quai hàm… Giờ cháu yếu lắm.”
Không chỉ Trường, bé Hoàng Hải Đăng (7 tuổi, Tuyên Quang) cũng đang chống chọi với khối u ác tính ở ống tai. Ba tháng theo mẹ xuống Hà Nội xạ trị, Đăng chỉ mong được về nhà, về bên bố và anh trai. “Con buồn lắm, chẳng có ai chơi cùng,” Đăng thỏ thẻ.
Cậu bé 7 tuổi hiện đã xạ trị được 4 lần và còn phải chống chọi với 26 lần xạ trị nữa để giành lấy cơ hội sống mong manh. Mỗi lần xạ trị xong, Đăng không đứng vững, yếu ớt đòi mẹ cõng. Hai mẹ con cứ vậy bám víu lấy nhau. Đối với chị Vy Thị Tình (mẹ Đăng), được sống cùng con ngày nào đều đáng quý. “Bác sỹ bảo người nhà cứ chuẩn bị tinh thần, khối u gần màng não nên ‘đi’ rất nhanh,” chị Tình vừa ôm con vừa rơm rớm nước mắt.
Nhắc về bệnh tình của con, chị Tình lại tủi thân, thương con và thương phận mình. Chị là lao động chính trong nhà, chồng bị viêm phổi, con trai lớn bị tật loạn thị bẩm sinh. Chị chạy vạy vay mượn khắp nơi mới được 10 triệu đồng để đưa Đăng xuống Hà Nội chữa bệnh.

Những phận đời dở dang…
“Xóm thận,” khu trọ của hàng trăm bệnh nhân suy thận, nằm sâu trong con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trái ngược với những tòa cao tầng nơi “tấc đất tấc vàng” giữa lòng Thủ Đô là những căn nhà cấp 4 xiêu vẹo, ẩm thấp, chật chội. Mỗi con người nơi đây là mỗi mảnh đời dang dở. Dù cho ước mơ về tương lai vẫn không ngừng được thắp lên trong những lồng ngực đang run rẩy vì bạo bệnh thì họ, những bệnh nhân nơi xóm thận vẫn bị hiện thực “ghì sát đất.”
Hai lần tìm đến xóm thận, chúng tôi mới gặp Giáp (20 tuổi, Ninh Bình) - người trẻ tuổi nhất xóm. Ấn tượng đầu về nam thanh niên là thân hình nhỏ thó, gầy gò, chưa cao nổi mét tư. Nếu không biết về hoàn cảnh của Giáp, có lẽ không ai tin chàng trai này đã đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người.
Căn phòng Giáp ở nhỏ nhất xóm. Giáp bảo chọn ở đây vì giá phòng rẻ, chỉ 800.000 đồng/tháng. Mọi sinh hoạt đều gói gọn trong 6 mét vuông, thậm chí bếp, bình ga đặt ngay sát giường nằm. Đồ ăn nhà tài trợ cho, Giáp để riêng một góc, quần áo không có tủ đựng nên treo móc ngổn ngang.
Giáp đã sống ở đây được 5 năm. Bị suy thận bẩm sinh, chàng trai học hết lớp 4 là dừng hẳn. Ngoài 3 ngày trong tuần đi chạy thận, hoặc những lúc đỡ mệt khi hết ca chạy, Giáp đi đánh giày thuê quanh bệnh viện Bạch Mai.

“Đây là cái nghiệp tiền kiếp của em rồi. Bình thường đâu ai vừa ra đời đã nhận ‘án tử’ như em,” Giáp cười buồn tâm sự. Giáp coi số phận đã an bài, cuộc đời từ khi sinh ra đã gắn liền với bệnh viện, học hành dở dang và một tương lai mù mịt.
Không hơn gì Giáp, cuộc đời Trang (36 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) gắn liền với máy bơm máu, lọc thận khi tuổi đời vừa chớm đôi mươi. Trang ví mình “như cây tầm gửi, bám riết vào máy móc, bác sỹ, gia đình.” Nhà Trang chỉ cách viện vài ba chục cây số nhưng cả năm trời mới được về, vì cuộc sống thường nhật không thể rời máy chạy thận.

Trong căn phòng 10 mét vuông chật chội, những bệnh nhân như Giáp, như Trang chỉ biết ngày ngày nhìn ra cửa, gửi nỗi buồn theo những vệt sáng hắt ngoài hiên. Họ chấp nhận sống trong cảnh “chim giam lồng sắt,” sống chật vật, tù túng.
Khu trọ lập tấm fibro nên mùa Hè thì nóng hầm hập, mùa Đông lại lạnh thấu xương. Họ đã sống như thế nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày với nhiều mòn mỏi… nhưng chưa khi nào buông xuôi.
Nghị lực sống của các “chiến binh”
Ở xóm chạy thận và xóm ung thư, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau lằn ranh thì khát vọng sống lại càng mãnh liệt. Khu trọ của ông Trường (Ninh Bình) luôn ngập tràn tình thương yêu và đoàn kết. Họ trao cho nhau ấm áp, động viên nhau để cùng vượt qua nghịch cảnh, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
“Ở đây thoải mái hơn ở nhà, mình không ảnh hưởng tinh thần con cái. Khu trọ này vui lắm, tứ xứ đổ về đây, cũng bệnh tật cả. Tối đến ngồi hành lang, chỗ nấu ăn chung nói chuyện, ai có gì thì đem ra ăn cùng nhau,” ông Trường vừa kể vừa giơ lọ trà xách từ Ninh Bình lên, coi như quà quê để anh em có cái ngồi nhâm nhi đàm đạo.
Trong căn phòng ẩm thấp, tối tăm tận cùng khu trọ của Giáp lại chứa rất nhiều sách do anh trai cậu mua cho và cả những cuốn Giáp tự sắm từ những chắt chiu của công việc đánh giày. Tất cả đều được Giáp xếp gọn gàng chỗ cao ráo nhất, thoáng nhất trong phòng. Đây là món quà tinh thần đã tiếp thêm cho Giáp niềm tin vào những điều tốt đẹp trong đời, là động lực để vượt qua những ngày cô đơn, lạc lõng giữa chốn thành thị.

Nhắc đến ước mơ, Giáp cho hay: “Tôi muốn được đi học lắm, muốn học một cái nghề để có thể lo cho bản thân, rồi về quê làm việc. Tôi rất thích sống ở quê, vì có bố mẹ, anh chị và nhà gần biển nữa.”
Ở xóm chạy thận này, giữa bóng tối bệnh tật bủa vây, thật khó tin vẫn có thể nảy mầm những câu chuyện tình yêu lãng mạn như của Trang (Thanh Oai, Hà Nội) và anh Thưa (Nam Định). Họ đã bất chấp bệnh tật, bất chấp những éo le ở đời để nên duyên từ khu trọ ấy. Những mảnh đời dở dang tìm thấy nhau giữa bộn bề cơ cực.

Cảnh báo nguy cơ gia tăng nhanh số bệnh nhân mắc ung thư trên thế giới
Số người mắc phải căn bệnh ung thư sẽ tăng lên tới 35 triệu người vào năm 2050, tương đương mức tăng 77% so với năm 2022 - thời điểm gần nhất ghi nhận thống kê số người mắc ung thư.
Họ góp gạo thổi cơm chung, nương tựa vào nhau đã nhiều năm qua, nhưng không dám mơ về mái ấm gia đình với những đứa con thơ. Trang nói mình tự nguyện nên không cần giấy tờ kết hôn ràng buộc, chỉ mong anh thương cô, vậy là đủ.
Những ngày không phải lọc thận, anh Thưa chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Trang đau ốm nên chỉ quanh quẩn ở phòng trọ, nấu ăn và đợi anh về. Chi phí sinh hoạt đều từ tiền anh làm ra.

Dẫu khó khăn, họ vẫn cố gắng vun vén và dành cho đối phương nhiều cử chỉ yêu thương, lãng mạn. Trong căn phòng trọ nhỏ, vẫn có chỗ để một bó hoa hồng mà anh đã dành tặng cho chị cùng tấm hình chụp chung. “Anh thích hình thức và cũng là một người lãng mạn, nhờ có anh mà chị vui vẻ hơn nhiều, cả hai cùng nương tựa vào nhau mà sống,” Trang nhắc về người bạn đời với đôi mắt long lanh, khẽ mỉm cười hạnh phúc.
Ẩn sâu trong ánh mắt những người bệnh ở xóm ung thư, xóm thận vẫn là sự cam chịu, chấp nhận số phận. Nhưng tình yêu thương giữa con người và giữa những người đồng cảnh ngộ đã giúp họ có thêm nghị lực để đối diện với nghịch cảnh. Dẫu chẳng dễ dàng vượt qua số phận nghiệt ngã, nhưng họ vẫn đùm bọc, đoàn kết để cùng chiến đấu bệnh tật với hy vọng chiến thắng “án tử” đang cận kề, hướng tới một tương lai tươi sáng phía trước./.

Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu