Sắc đỏ tiếp tục thống lĩnh các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 28/7, mà tâm điểm gây chú ý nhất là thị trường Thượng Hải khi chỉ số Shanghai Composite tiếp tục lao vào vòng xoáy giảm điểm mới và chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng hơn tám năm (8,48%) ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này.
Nỗi lo ngại về đà giảm mới của thị trường chứng khoán Trung Quốc đè nặng lên diễn biến của các thị trường chứng khoán toàn cầu.
Đáng chú ý, Phố Wall đi xuống năm phiên liên tiếp, còn giá vàng lại bắt đầu phục hồi sau khi liên tiếp hạ trong thời gian qua.
Trong phiên giao dịch đầy biến động này, chỉ số Shanghai Composite có lúc sụt giảm 5% vào giữa phiên, rồi lại đảo chiều tăng nhẹ gần 1% trước khi trở lại xu hướng mất điểm.
Khép lại phiên 28/7, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,68%, tương đương 62,56 điểm, xuống còn 3.663 điểm.
Các công ty môi giới chứng khoán và ngân hàng dốc sức giữ giá cổ phiếu.
Chỉ có một số ít mã cổ phiếu tăng giá là công nghiệp hoá chất, GPS Bắc Đẩu, game online, truyền hình số...; các mã cổ phiếu giảm giá mạnh nhất vẫn là xây dựng công trình, tài chính online, đất hiếm...
Các chuyên gia phân tích dự báo rằng trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ còn biến động lớn.
Để ngăn không cho thị trường chứng khoán trượt mạnh hơn trước khi Chính phủ đưa ra các biện pháp hỗ trợ, có thể nhà nước phải bỏ ra lượng vốn lớn để mua vào cổ phiếu.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng giảm 21,21 điểm (0,1%), xuống 20.328,89 điểm.
Trong khi đó, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng mất 9,40 điểm (0,17%), đóng cửa ở mức 5.580,50 điểm.
Tuy nhiên, trái với diễn biến ảm đạm trên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong lại ngược dòng tăng 151,98 điểm (0,62%), lên 24.503,94 điểm, nhờ sự gia tăng giá của cổ phiếu năng lượng.
Ngoài ra, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng gần như không biến động so với phiên trước đó khi chỉ "nhích" nhẹ 0,27 điểm, lên 2.039,08 điểm./.