Sắc đỏ ngập tràn các sàn chứng khoán trên thế giới

Theo sau đà giảm của chứng khoán Phố Wall, các thị trường chứng khoán châu Á-TBD đồng loạt đỏ sàn do hoạt động bán ra của các nhà giao dịch.
Sắc đỏ ngập tràn các sàn chứng khoán trên thế giới ảnh 1Tại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo sau đà giảm của chứng khoán Phố Wall đêm trước, sáng 14/1, các thị trường chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương đồng loạt đỏ sàn, do hoạt động bán ra của các nhà giao dịch.

Vào cuối phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm 326,17 điểm (2,05%) so với phiên cuối tuần trước xuống 15.585,59 điểm, do đồng yen mạnh lên và chứng khoán Phố Wall rơi vào vùng đỏ phiên trước. Trong 15 phút đầu tiên thị trường mở cửa trở lại sau một kỳ nghỉ dài chỉ số Nikkei còn để mất tới 398,15 điểm tương đương 2,5%.

Theo các nhà phân tích, chứng khoán xứ Phù Tang bị ảnh hưởng bởi thông tin bi quan về thị trường lao động Mỹ.

Chuyên gia Hiroichi Nishi, thuộc SMBC Nikko Securities, nhận định các nhà giao dịch đã rất kỳ vọng vào một số liệu lạc quan về thị trường việc làm Mỹ, song họ đã phải thất vọng.

Thêm vào đó, một thông tin khác chi phối thị trường chứng khoán Nhật Bản là việc Chính phủ nước này cho biết thâm hụt tài khoản vãng lai trong tháng 11/2013 đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên 592,8 tỷ yen.

Tokyo đã phải chịu mức thâm hụt thương mại cao hơn, do chi phí dành cho nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện tăng mạnh, sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011.

Tại Trung Quốc, mở phiên giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,58 điểm (0,08%) xuống 2.007,98 điểm, do thiếu các nhân tố thúc đẩy các nhà đầu tư tiến hành giao dịch thị trường. Cùng đà đi xuống, tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 197,02 điểm (0,86%) xuống 22.691,74 điểm.

Đêm trước, sắc đỏ tràn ngập các sàn chứng khoán Mỹ, do báo cáo không khả quan về thị trường lao động và những lo ngại giá cổ phiếu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, khi chỉ số S&P 500 chạm mức cao nhất trong gần bảy năm cuối năm 2013.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 179,11 điểm (1,09%) xuống 16.257,94 điểm; còn chỉ số S&P 500 giảm 23,17 điểm (1,26%) xuống 1.819,20 điểm. Sau khi tăng lên các mức kỷ lục năm ngoái, chứng khoán Phố Wall khởi đầu khá chậm chạp trong năm nay.

Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 12/2013, lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ chỉ tạo được 74.000 việc làm, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2011. Thông tin này đã dấy lên đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ "từ từ" thu hẹp chương trình mua trái phiếu trong năm nay, đồng thời thúc đẩy làn sóng bán ra trên các sàn chứng khoán.

Trong khi đó, chiến lược gia Michael O'Rourke, thuộc JonesTrading tại Greenwich, Connecticut đánh giá các nhà đầu tư hiện nay đang đứng ngoài thị trường chờ đợi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, để có thông tin xác thực hơn trước khi đầu tư. Tuy nhiên, theo ông O'Rourke, việc FED quyết định thu hẹp chương trình mua trái phiếu hàng tháng sẽ là nhân tố hỗ trợ chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao hơn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục