Sa Pa đã trải qua 120 năm hình thành, phát triển du lịch. Từ khi người Pháp đánh dấu mốc đầu tiên trên Đỉnh Fansipan vào năm 1903, sau đó đặt trạm nghỉ dưỡng để đón khách, cho đến hôm nay Sa Pa đã trở thành Khu Du lịch Quốc gia.
Tuần Văn hóa Du lịch chào mừng 120 năm Du lịch Sa Pa diễn ra từ ngày 20-30/9/2023 tại thị xã Sa Pa (Lào Cai) với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn được coi là sự kiện góp phần khẳng định vị thế của Du lịch Sa Pa, hướng tới mục tiêu đưa Sa Pa trở thành Khu Du lịch Quốc gia mang tầm cỡ Quốc tế.
Điểm du lịch hấp dẫn
Sa Pa được người Pháp phát hiện năm 1903, là địa điểm lý tưởng để xây dựng khu nghỉ mát. Nằm ở độ cao trung bình từ 1.500-1.650m so với mực nước biển, Sa Pa được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ và trở thành những danh thắng nổi tiếng gắn với thương hiệu của Du lịch Sa Pa như Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn- 1 trong 4 Vườn Di sản đầu tiên được UNESCO công nhận tại Việt Nam; Đỉnh Fansipan (nóc nhà Đông Dương) với độ cao 3.143m so với mặt nước biển; di tích Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang, Hang động Tả Phìn, Khu chạm khắc đá cổ; Núi Hàm Rồng, đỉnh Ngũ Chỉ Sơn; đèo Ô Quý Hồ - một trong Tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc.
Sa Pa lại có khí hậu cận nhiệt đới ẩm, ôn đới mùa hè không khí mát mẻ, mùa đông lạnh thường xuyên dưới 10 độ C, có những năm giảm xuống dưới 0 độ C và xuất hiện băng, tuyết.
Đặc trưng khí hậu này đã tạo cho Sa Pa một hệ sinh thái phong phú và đa dạng nhất Việt Nam với hơn 2.847 loài thực vật, trong đó có 133 loài quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam và 34 loài trong Sách Đỏ Thế giới.
[Khởi động chuỗi sự kiện chào mừng 120 năm du lịch Sa Pa]
Sa Pa cũng nổi tiếng với nhiều loại hoa, cây ăn quả và dược liệu như Đào, Mận, Lê, hoa Lan, Đỗ quyên, Tam thất, Hoàng liên, Thảo quả, Huyền sâm và nguồn nước phù hợp phát triển nghề nuôi cá nước lạnh (Cá Hồi, Cá Tầm) với hơn 250 cơ sở, sản lượng trên 600 tấn/năm.
Sa Pa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên như Thác Bạc cao khoảng 200m, Cổng Trời, Rừng Trúc, Động Tả Phìn, Bãi đá cổ Sa Pa nằm trong Thung lũng Mường Hoa, Hàm Rồng, Bản Cát Cát, Nhà thờ Đá.
Sa Pa nổi tiếng với Đỉnh Fansipan cao 3.147m trên dãy Hoàng Liên Sơn. Sa Pa còn là "vương quốc" của hoa trái, như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa cúc, hoa hồng…
Sa Pa với 6 tộc người cùng cư trú là Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó và Kinh, mỗi tộc người có một vốn văn hoá riêng đã góp phần làm nên Khu Du lịch Quốc gia đặc sắc và ấn tượng.
Trải qua 120 năm hình thành, phát triển du lịch. Từ khi người Pháp đánh dấu mốc đầu tiên trên Đỉnh Fansipan vào năm 1903, sau đó đặt trạm nghỉ dưỡng để đón khách, cho đến hôm nay Sa Pa đã trở thành Khu Du lịch Quốc gia, luôn nằm trong tốp 10 điểm đến được yêu thích nhất trong nước và tốp 28 điểm đến hấp dẫn của thế giới.
Tính theo mốc thời gian 20 năm gần đây nhất, Sa Pa đã đón 200.000 lượt khách vào năm 2003; 800.000 lượt năm 2013 và đến năm 2023 dự kiến số lượt khách đạt 3,5 triệu lượt, chiếm gần 60% lượt khách đến tỉnh Lào Cai.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa
Nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của Sa Pa đến với du khách trong và ngoài nước, Tuần Văn hóa Du lịch chào mừng 120 năm Du lịch Sa Pa khai mạc vào đêm 20/9.
Nổi bật nhất là Lễ kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa dự kiến diễn ra vào tối 23/9 với Chương trình Nghệ thuật Đặc biệt giới thiệu hành trình 120 năm Du lịch Sa Pa đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch nổi trội, các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc riêng vốn có của Sa Pa, mục tiêu hướng tới xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa mang tầm cỡ Quốc tế. Đây cũng là sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2023.
Trong chương trình của Tuần Văn hóa Du lịch còn có nhiều hoạt động hấp dẫn như Chương trình trải nghiệm khám phá Sa Pa, Giải Marathon vượt núi Quốc tế Sa Pa-VMM 2023, Đêm hội Trăng rằm, Liên hoan Khiêu vũ Thể thao và nhiều sự kiện giao lưu văn hóa, văn nghệ khác.
Trước đó, ngay từ tháng 3/2023, các hoạt động khởi động sự kiện chào mừng 120 năm Du lịch Sa Pa đã được tổ chức thành công và được du khách hào hứng đón nhận như Lễ hội Khèn hoa và Hội Xuân mở Cổng Trời, Lễ hội hoa Fansipan và Festival Hoa Hồng “Sa Pa - Xứ sở của Tình yêu,” Ngày Quốc tế Yoga tại Sa Pa, Cuộc thi Hoa khôi Du lịch Tây Bắc.
Hướng tới Khu Du lịch Quốc gia tầm cỡ quốc tế
Ông Phan Đăng Toàn - Bí thư Thị ủy Sa Pa cho biết ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 1845/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 và Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 20/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có kế hoạch để triển khai Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định số 1845 của Thủ tướng Chính phủ, Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa có 8 phân khu (03 phân khu thuộc huyện Bát Xát và 05 phân khu thuộc huyện Sa Pa - nay là thị xã Sa Pa). Trong số 8 phân khu này thì khu vực Y Tý đã xong quy hoạch.
Trong định hướng phát triển, Sa Pa đang tiếp tục thu hút đầu tư các dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, chất lượng và phấn đấu đến năm 2030 sẽ nâng số lượng khách sạn 5 sao, 4 sao trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Song song với đó, thị xã cũng đang quan tâm phát triển các cơ sở lưu trú tại gia như homestay nhằm phân phối lượng khách đến các điểm du lịch cộng đồng, tạo cơ hội việc làm và thu nhập bền vững cho người dân địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường khách quốc tế và những người ưa khám phá và trải nghiệm văn hóa.
Về hạ tầng giao thông đô thị, bên cạnh nguồn vốn của nhà nước đầu tư nâng cấp cải tạo giao thông và cảnh quan, Sa Pa tiếp tục được đầu tư bằng các nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp. Hiện bộ mặt khu vực trung tâm Sa Pa đã đổi khác với thảm bê tông nhựa và được đầu tư chỉnh trang đô thị, mang lại vẻ đẹp mới.
Về nguồn nhân lực, thông qua chính sách giảm nghèo và các chương trình mục tiêu quốc gia, Sa Pa cũng tập trung để tào tạo nguồn nhân lực và tập trung cho nguồn nhân lực ngành du lịch dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp-thân thiện.
Vốn được biết đến là vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thị xã Sa Pa đang là nơi sinh sống của các dân tộc như Giáy, Tày, Mông, Dao và Xa Phó… Hiện Sa Pa đang nỗ lực thực hiện các chương trình dự án, đề án để bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hóa của các dân tộc phục vụ du lịch theo phương châm "Biến di sản thành tài sản."
Cụ thể, thị xã sẽ đầu tư 5 điểm du lịch đạt chuẩn Du lịch Cộng đồng ASEAN gắn với bản sắc văn hóa của 5 dân tộc thiểu số tại Sa Pa như Tả Van - gắn với văn hóa dân tộc Giáy, Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Mường Hoa gắn với văn hóa dân tộc Mông, Bản Hồ gắn với văn hóa dân tộc Tày, Liên Minh gắn với văn hóa dân tộc Xa Phó.
Thị xã cũng đang hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị thổ cẩm các dân tộc thành sản phẩm hàng hóa và quà tặng lưu niệm phục vụ du lịch; khai thác các lễ hội nghệ thuật biểu diễn dân gian và ẩm thực thành sản phẩm phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách.
Theo quy hoạch phát triển tầm nhìn đến năm 2040, Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách vào năm 2030.
Trong thời gian từ nay đến năm 2030, Sa Pa sẽ có các dự án lớn như T&G đầu tư 4 dự án du lịch nghỉ dưỡng ở phía Đông Nam của Sa Pa; Bitexco đầu tư khu đô thị Đông Bắc; Ô Quy Hồ sẽ có dự án lớn về đô thị; Thung lũng Mường Hoa sẽ có dự án của ECOPARK, Sun Group, AnphaNam với 5 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao...
Với tổng số 50 dự án hiện nay đã và đang nghiên cứu đầu tư và một số dự án đang thực hiện, hy vọng khi các dự án hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu đón 8-10 triệu lượt khách vào năm 2030./.