Rwanda sử dụng máy bay không người lái trong cuộc chiến chống sốt rét

Máy bay không người lái được sử dụng để phun thuốc diệt ấu trùng ở những nơi muỗi sinh sản; hoặc gắn loa phóng thanh để phát thông điệp được ghi âm trước về các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét.
Rwanda sử dụng hiệu quả máy bay không người lái trong cuộc chiến chống sốt rét. (Nguồn: The New Times)

Trong khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với việc loại trừ bệnh sốt rét, Rwanda đã trở thành quốc gia đầu tiên tích hợp và triển khai máy bay không người lái ở hầu hết các vùng sốt rét lưu hành của đất nước và đạt được những kết quả khả quan

Vào năm 2019, chính phủ Rwanda đã hợp tác với Công ty về thiết bị bay không người lái trong nước Charis Unmanned Aerial Solutions (UAS) để giới thiệu một cách tiếp cận sáng tạo nhằm giải quyết các ca bệnh sốt rét ngày càng gia tăng do những thay đổi trong hành vi của muỗi Anopheles đối với vết đốt ngoài trời và mở rộng quy mô nông nghiệp tưới tiêu.

Ông Eric Rutayisire, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Charis UAS, cho biết công ty đã hợp tác với Trung tâm Y sinh Rwanda để phát triển một giao thức về cách sử dụng máy bay không người lái và dữ liệu không gian địa lý 3D tiên tiến như một công cụ hiệu quả để đối phó với sự gia tăng các ca sốt rét ở lục địa châu Phi.

Tiến sỹ Sabin Nsanzimana, Bộ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng kết hợp các nỗ lực, công nghệ và đổi mới để chống lại các bệnh như sốt rét.

Ông đánh giá Charis UAS là một trong những công ty sáng tạo trong nước, chứng minh rằng dự án thí điểm được thực hiện vào năm 2020 cho thấy việc sử dụng máy bay không người lái để chống lại bệnh sốt rét là hiệu quả và dễ dàng.

Tiến sỹ Sabin Nsanzimana nhấn mạnh với 3,7 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét được báo cáo hàng năm ở Rwanda, rõ ràng là cần có những đổi mới và công nghệ khác nhau để loại bỏ căn bệnh này.

[WEF 2023: Biến đổi khí hậu làm gia tăng số ca mắc sốt rét]

Thành công của dự án đã thúc đẩy Charis UAS mở rộng quy mô hoạt động của mình ở Rugende và Kabuye, hai cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề căn bệnh sốt rét, trong năm 2023.

Máy bay không người lái hiện đang được sử dụng để lập bản đồ các địa điểm sinh sản của muỗi, cho phép thực hiện các biện pháp can thiệp có mục tiêu.

Sau khi lập bản đồ, máy bay không người lái được sử dụng để phun thuốc diệt ấu trùng ở những nơi muỗi sinh sản, cùng với việc huy động cộng đồng, nơi máy bay không người lái được gắn loa phóng thanh để phát thông điệp được ghi âm trước về các biện pháp phòng chống bệnh sốt rét.

Hoạt động diệt bọ gậy bằng máy bay không người lái đã có tác động đáng kể vào năm 2020, với việc Trung tâm Y sinh Rwanda báo cáo số ca sốt rét ở Jabana, khu vực ngoại ô thủ đô Kigali, đã giảm 90,6% từ 12.041 ca xuống 1.129 ca chỉ sau 8 tháng can thiệp bằng máy bay không người lái.

Các nhân viên y tế trong cộng đồng cũng nhận thấy các trường hợp sốt rét giảm. Justine Uwingeneye, một nhân viên y tế ở Jabana Sector, Gasabo District, cho biết cô từng chăm sóc ít nhất 5 trẻ em mỗi ngày, trong đó có 3 trẻ bị sốt rét.

Tuy nhiên, sau khi có sự can thiệp của máy bay không người lái, tình trạng mắc bệnh sốt rét đã có dấu hiệu giảm.

Trong tương lai, Charis UAS có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động của họ tới địa phương ở Rwanda và mở rộng sang nhiều quốc gia châu Phi hơn.

Cách tiếp cận sáng tạo này, theo Charis UAS, không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe cộng đồng mà còn mang lại lợi ích kinh tế xã hội cho nông dân và doanh nghiệp, những người hiện có thể tăng thêm 3 giờ vào số giờ làm việc của họ.

Rõ ràng là việc Rwanda sử dụng máy bay không người lái trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho sự đổi mới trong y tế công cộng.

Phương pháp mới này được áp dụng ở các quốc gia khác đang đối mặt với những thách thức tương tự như Côte d'Ivoire, nơi máy bay không người lái của Charis UAS đang được triển khai để chấm dứt bệnh sốt rét ở 6 vùng dịch ảnh hưởng tới hơn 5 triệu người.

Hiện, Tanzania cũng đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để xác định các địa điểm sinh sản của muỗi khó tiếp cận và tiêu diệt chúng bằng cách phun thuốc.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, châu Phi có hơn 300 loài muỗi, trong đó có 5 loài đang truyền bệnh sốt rét ở châu lục này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục