Rút ruột 'kho thóc' bảo hiểm y tế: Thiết lập những hàng rào thép

Mới đây nhất, một bệnh nhân tên tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trả lại Quỹ Bảo hiểm y tế hơn 9 triệu đồng do đã lạm dụng việc đi khám chữa bệnh 319 tại các bệnh viện khác nhau.
Rất nhiều bệnh nhân đi khám nhiều lần để trục lợi từ "kho thuốc" của bảo hiểm y tế. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN) 

Những con số về nhiều bệnh nhân thực hiện chiêu trò đi khám bệnh nhiều lần trong một ngày, một tuần, một tháng ở các cơ sở y tế đã cho thấy quỹ bảo hiểm y tế như một “kho thóc” đang được nhiều đối tượng hướng đến để rút ruột ngày càng tinh vi với nhiều hình thức khác nhau.

Trong bốn tháng đầu năm 2017, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng nghìn trường hợp trục lợi trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng cách đi khám nhiều lần để lấy tiền thuốc, tách giá dịch vụ để thanh toán...

[Nghi vấn phòng khám ở Bình Phước trục lợi bảo hiểm y tế hơn 5 tỷ đồng]

Thống kê những trường hợp đi khám từ 50 lần trở lên trong 4 tháng đầu năm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, có 2.776 người với 160.374 lượt, trong đó người khám nhiều nhất là 123 lần kể cả ngày nghỉ, ngày lễ tết; 195 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh trở lên với số tiền trên 7,7 tỷ đồng.

Có thể nói, chưa bao giờ tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế đang diễn ra khá nhức nhối và có xu hướng tăng mạnh như hiện nay.

Mới đây nhất, một bệnh nhân tên N.G. H. sống tại Thành phố Hồ Chí Minh đã trả lại Quỹ Bảo hiểm y tế hơn 9 triệu đồng do đã lạm dụng việc đi khám chữa bệnh nhiều lần tại các bệnh viện khác nhau.

Ngày 5/6, theo thông tin từ Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân N.G. H. (47 tuổi, ở phường 2, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) đã lợi dụng quy định khám bệnh bảo hiểm y tế thông tuyến để đi khám rất nhiều lần tại các bệnh viện khác nhau trên địa bàn thành phố.

Qua kiểm tra trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đã phát hiện từ cuối tháng 6/2016 đến khoảng giữa tháng 1/2017 (gần 6 tháng), bệnh nhân này đi khám bệnh tới 319 lần.

Ông H. cho hay, dù nhà ở quận 8, nhưng ông thường đi nhiều bệnh viện khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để khám và lấy thuốc.

Đơn cử, ngày 13/10/2016, ông H. đến khám ở Bệnh viện quận 1, Bệnh viện quận 3, Bệnh viện quận Tân Bình và Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh.

Bác sỹ Lưu Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi phát hiện vụ việc, Bảo hiểm Xã hội Thành phố đã mời ông H. đến làm việc. Ông H. cam kết sẽ không vi phạm các quy định về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đồng thời sẽ trả lại tiền đã lạm dụng từ việc đi khám bệnh nhiều lần tại các bệnh viện trên địa bàn như Bệnh viện Y học cổ truyền, Viện Y dược học dân tộc, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Quân dân miền Đông, Bệnh viện quận 1, Bệnh viện quận 5, Bệnh viện quận Thủ Đức…

Sau khi được đại diện của Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, giải thích về hành vi lạm dụng, ông H. đã hoàn trả lại Quỹ Bảo hiểm y tế chi phí khám chữa bệnh trùng lắp thuốc do khám tại nhiều bệnh viện.

Quỹ bảo hiểm y tế được coi là quỹ phúc lợi chung của những người tham gia bảo hiểm y tế. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Theo Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi nộp lại tiền, bệnh nhân này đã không tái diễn việc đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tràn lan như trước.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền phân tích, đối với các trường hợp bệnh nhân lạm dụng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cơ quan Bảo hiểm Xã hội gửi văn bản cho các cơ sở khám chữa bệnh mà bệnh nhân đã từng đi khám bệnh để rà soát.

Bên cạnh đó, cơ quan Bảo hiểm Xã hội mời bệnh nhân có dấu hiệu lạm dụng đến làm việc để cảnh báo. Nếu phát hiện về việc trùng lặp về cấp thuốc sẽ yêu cầu bệnh nhân phải bồi hoàn lại số tiền đó.

Với các trường hợp cố tình lạm dụng, trước hết, cơ quan bảo hiểm xã hội vận động hoàn trả lại số tiền vi phạm. Với các trường hợp không chịu thực hiện trả lại tiền, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

[Nghề làm bệnh nhân: Mỗi ngày "uống" gần 40 viên thuốc các loại]

Quỹ bảo hiểm y tế được coi là quỹ phúc lợi chung của những người tham gia bảo hiểm y tế. Thế nhưng, việc sử dụng và quản lý quỹ hiện nay có quá nhiều vấn đề, gây mất công bằng trong khám, điều trị. Nhiều người bệnh hay một bộ phận cán bộ y tế coi đây như “một kho thóc” đào phá được càng nhiều càng tốt.

Nhân viên y tế gửi dữ liệu liên thông giám định bảo hiểm y  tế. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Nguyên nhân là do, khi các cơ quan quản lý có những chính sách để tạo điều kiện cho người tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng nhiều quyền lợi hơn như việc lien thông khám chữa bệnh giữa các bệnh viện hạng 3 thì đây cũng lại là cơ hội, kẽ hở để nhiều đối tượng trục lợi.

Việc ngăn chặn tình trạng trục lợi và lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế hiện nay vẫn còn là bài toán khó giải bởi yếu tố “kiềng ba chân” chi phối. Đó là một bên cung cấp dịch vụ (cơ sở y tế), một bên hưởng dịch vụ (người tham gia bảo hiểm y tế) và một bên trả tiền dịch vụ (cơ quan Bảo hiểm Xã hội). Đây là mối quan hệ ba bên, luôn tiềm ẩn rủi ro sử dụng quỹ bảo hiểm y tế không hợp lý nên việc phát hiện kịp thời và thức tỉnh nhận thức, răn đe cho từng đối tượng với hành động trục lợi quỹ bảo hiểm y tế là cần thiết./.

Thủ tướng chỉ đạo xử nghiêm hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế

Trước thực trạng trục lợi quỹ bảo hiểm y tế diễn ra trên diện rộng và ngày càng nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra thông tin báo nêu liên quan đến mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước ngày 15/6/2017, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung phản ánh trên các phương tiện thông tin về tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế đang diễn ra khá nhức nhối.

Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục