Rút ngắn thời gian sử dụng hai hoạt chất cấm trong thuốc diệt cỏ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa yêu cầu rút ngắn thời gian sử dụng hai hoạt chất cấm 2.4 D và Paraquat sau khi có quyết định loại bỏ ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật.
Nông dân phun thuốc trừ cỏ và sâu bệnh cho lúa. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quyết định về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4 D và Paraquat (trong thuốc diệt cỏ) ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, lý do loại bỏ các hoạt chất này vì đây là các hoạt chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi… Tuy nhiên, theo quy định phải mất đến hai năm thì hai hoạt chất trên mới hoàn toàn không có ở Việt Nam.

Tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa diễn ra sáng nay (3/3), ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và tại khoản 3 điều 7 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, khi loại bỏ 1 loại thuốc hay 1 hoạt chất ra khỏi danh mục thì doanh nghiệp vẫn được phép có 1 năm nhập khẩu và 2 năm bán sản phẩm. Điều này cũng được thực hiện theo thông lệ quốc tế.

Theo ông Hoàng Trung, khi loại bỏ 2 hoạt chất trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có lộ trình cụ thể để kiểm tra, kiểm soát và có các giải pháp thay thế.

“Về giải pháp thay thế, hiện nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam có 227 hoạt chất (74 đơn chất và 153 hỗn hợp) đăng ký sử dụng trừ cỏ trên các loại cây trồng khác nhau. Trong đó các thuốc trừ cỏ cùng công dụng, như vậy các hoạt chất trong danh mục có thể hoàn toàn thay thế hai hoạt chất trên.

Yêu cầu rút ngắn thời gian sử dụng hai hoạt chất cấm trong thuốc diệt cỏ

Đối với việc kiểm tra, kiểm soát, riêng về nhập khẩu, tất cả các sản phẩm thuốc nhập khẩu, kể cả thuốc trừ cỏ đều được kiểm tra nhà nước 100% và do Cục Bảo vệ thực vật quản lý. Lượng thuốc trừ cỏ, đặc biệt là hai hoạt chất trên đều được các cán bộ bảo vệ thực vật nắm rõ nên hệ thống kiểm tra, kiểm soát địa phương hoàn toàn có thể kiểm tra, kiểm soát tốt hai hoạt chất trên sau hai năm nữa.

Đó là lý do có độ trễ như vậy để các doanh nghiệp chiến lược kinh doanh phù hợp, chuyển đổi sang các loại thuốc khác phù hợp với quy định,” ông Hoàng Trung nói.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Luật quy định như vậy nhưng lộ trình phải đảm bảo rút ngắn về thời gian hơn và phải giảm căn bản.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo, Cục Bảo vệ thực vật cần công bố với các doanh nghiệp chỉ cho nhập các lô hàng đã ký kết và không ký hợp đồng mới. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng sản phẩm có hoạt chất này mà sử dụng sản phẩm có hoạt chất thay thế để dần thực hiện loại trừ các sản phẩm này trong thời gian ngắn nhất./.

Ngày 8/2/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã ký, ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất 2.4 D và Paraquat ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo và nghiên cứu ở nhiều nước đã kết luận hoạt chất 2.4 D và Paraquat có khả năng gây một số bệnh cho động vật và con người như: 2.4 D rất độc với mắt (xếp loại độ độc 1 đối với mắt), có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào máu trắng, do đó làm tăng nguy cơ gây ung thư bạch huyết ở người, sử dụng lâu dài gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, nội tiết và hệ miễn dịch.

Trong các thuốc trừ cỏ chứa 2.4 D đều có một lượng chất Chlorophenol không được tổng hợp hết gọi là phenol tự do. Chlorophenol có nhiều ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người và môi trường sống do trong tự nhiên, Chlorophenol tồn tại tương đối lâu và có thể chuyển hóa thành chất Dioxin, có khả năng kích thích tế bào ung thư phát triển, gây đột biến tế bào và dị dạng cơ thể người và động vật máu nóng.

Paraquat có khả gây ảnh hưởng nhiều đến chức năng phổi, thận, tim, bị phơi nhiễm trực tiếp Paraquat qua đường da, đường hô hấp trên hay đường miệng đều có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong mà không có thuốc giải độc.

Đến thời điểm hiện tại, trên thế giới, Paraquat đã bị cấm sử dụng tại 32 quốc gia (27 nước châu Âu và các nước Kuwait, Bờ Biển Ngà, Syria, các tiểu vương quốc Arab, Campuchia, Ấn Độ; Trung Quốc và rất nhiều quốc gia hạn chế sử dụng) chủ yếu vì lý do ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hoạt chất 2.4 D bị cấm tại một số nước châu Âu như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch; một số bang của Canada, Australia và Nam Phi..../.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục