Ngày 21/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và Bộ Tài chính đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác nhằm thành lập hệ thống chứng nhận điện tử song phương đầu tiên dành cho các sản phẩm thực phẩm và nông-lâm nghiệp thông qua Cơ chế Một cửa quốc gia của Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ký kết, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam nhấn mạnh rằng thỏa thuận này sẽ giúp cho việc trao đổi thương mại nhanh hơn, an toàn và rẻ hơn giữa hai nước. Như vậy, đến nay New Zealand đã thiết lập thành công hệ thống chứng nhận điện tử với nhiều đối tác thương mại, trong đó ASEAN luôn được đặt làm trọng tâm.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, việc triển khai hợp tác trong lĩnh vực chứng nhận điện tử cùng New Zealand là một bước đệm quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu đồng thời tạo ra lộ trình thuận lợi để Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng khác.
Ông Doanh cho biết ngay sau lễ kỹ kết này, các hoạt động cụ thể sẽ ngay lập tức được tiến hành để những nội dung trong bản thỏa thuận sớm được đưa vào thực tiễn.
Được biết, hệ thống chứng nhận điện tử dành cho các sản phẩm nông-lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm là phương pháp trao đổi thông tin đồng thuận trực tuyến giữa cơ quan chính phủ các nước nhằm tạo thuận lợi cho thông quan các mặt hàng nông-lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu đang ngày một diễn biến phức tạp, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, thì việc thiết lập một hệ thống trao đổi thông tin nhanh, an toàn và đáng tin cậy thông qua các giải pháp trực tuyến là vô cùng quan trọng. Vì thế, ngày càng có nhiều quốc gia lựa chọn từ bỏ hệ thống văn bản giấy để thay thế bằng các giải pháp trực tuyến có tính bảo mật cao.
Việc trực tiếp trao đổi các dữ liệu chứng nhận điện tử giúp đơn giản hóa các quy trình xuất nhập khẩu các mặt hàng nông-lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm, cũng như đẩy nhanh quá trình thông quan, giảm giá thành, tăng độ tin cậy và tính minh bạch, đồng thời giảm thiểu tối đa khả năng gian lận trong giao thương hàng hóa. Vì vậy, việc thành lập thệ thống chứng nhận điện tử dành cho các sản phẩm nông-lâm nghiệp, thủy sản và thực phẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất-nhập khẩu của hai nước./.