Rút Đề án Đổi mới sách giáo khoa khỏi kỳ họp 7 của Quốc hội

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin rút Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa khỏi chương trình của kỳ họp lần 7 của Quốc hội khóa 13 sẽ diễn ra vào tháng Năm.
Rút Đề án Đổi mới sách giáo khoa khỏi kỳ họp 7 của Quốc hội ảnh 1(Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Sáng nay, ngày 25/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã chính thức xin rút nội dung thảo luận về báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình-sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 6 trước khi kỳ họp Quốc hội diễn ra.

Theo đó, Đề án sẽ không được trình trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 13 diễn ra vào tháng Năm tới.

Bộ trưởng Luận cho biết, tại phiên họp ngày 14/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy viên đã đề nghị Bộ bổ sung nội dung hồ sơ đề án, trong đó có vấn đề kinh phí. Vấn đề kinh phí không trình được lần này vì phải có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và các bộ liên quan, sau đó là ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Vì vậy, Bộ phải có thời gian để chuẩn bị. Bộ đã xin ý kiến Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý rút nội dung này.

Cũng theo Bộ trưởng Luận, xin rút ra khỏi chương trình kỳ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khẩn trương hoàn thiện để trình ra vào một thời điểm phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phấn đấu hoàn thiện để trình ra vào kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Các nội dung cần bổ sung như vấn đề kinh phí, báo cáo tổng kết Nghị quyết 40 về chương trình-sách giáo khoa hiện hành, báo cáo tác động (hiện chỉ có 2,5 trang, quá sơ sài so với tác động của đề án)...

Trước đó, Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đề án đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá là sơ sài, nặng khẩu hiệu. Cũng tại phiên họp này, lãnh đạo Bộ đã hé lộ con số khai toán kinh phí thực hiện Đề án khoảng trên 34.000 tỷ đồng.

Con số này đã ngay lập tức gây “sốc” trong dư luận với nhiều ý kiến cho rằng đó là kinh phí quá lớn và cũng chưa được thẩm định theo đúng quy trình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục