Rượu và nghèo đói: Bi kịch của trẻ mồ côi Nga

Cái chết ở một thị trấn Texas khi mới ba tuổi của Maxim Kuzmin, vụ việc làm bùng lên tranh cãi ngoại giao giữa Nga và Mỹ
Cái chết của cậu bé ba tuổi gốc Nga Maxim Kuzmin tại một thị trấn ở bang Texas (Mỹ) đã làm bùng lên tranh cãi ngoại giao giữa Nga và Mỹ. Nga cho rằng những đứa trẻ Nga được gia đình Mỹ nhận làm con nuôi thường bị ngược đãi.

Nhưng theo AFP, bé trai Maxim đã sống trong một căn nhà nhỏ xập xệ ở miền tây Nga, được hàng xóm tốt bụng cho ăn, những người nói họ “chưa bao giờ thấy mẹ em khóc.”

Xin con nuôi chỉ để tra tấn?

Maxim được phát hiện nằm bất tỉnh ở sân sau nhà của bà mẹ nuôi người Mỹ Laura Shatto hồi tháng  Giêng trong vụ việc mà các quan chức Nga ban đầu cáo buộc là một vụ giết người. Vụ việc làm bùng lên sự giận dữ ở Nga về hệ thống xin con nuôi không minh bạch và các kênh truyền hình cáo buộc người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi chỉ để tra tấn chúng. Nhưng đằng sau tất cả những tranh cãi chính trị là số phận bi thảm của hai bé trai đã không may sinh ra trong một gia đình những người nghiện rượu, theo lời các nhân chứng từng chứng kiến những năm tháng đầu đời của Maxim và em trai cậu, Kirill. Sau những cáo buộc vụ việc ở Mỹ là giết người từ trưởng phái bộ về quyền trẻ em của điện Kremlin, Pavel Astakhov, Duma Nga đã thông qua một kêu gọi với quốc hội Mỹ nói việc cặp vợ chồng Mỹ tiếp tục được quyền nuôi dưỡng em trai của Maxim là “không thể chấp nhận” đồng thời yêu cầu phải đưa ngay cậu bé trở lại Nga. Mẹ ruột của hai cậu bé, Yulia Kuzmina, 23 tuổi, từ đó đã xuất hiện trên nhiều chương trình trò chuyện truyền hình đông người xem và thề sẽ “đấu tranh” cho Kirill cũng như tuyên bố cô đã sẵn sàng nuôi bé. Nhưng sự nổi tiếng bất chợt của Kuzmina đã gây sốc với thị trấn yên bình Gdov, nơi chỉ có 7.000 dân và cách thủ đô Mátxcơva 700 km về phía tây bắc, gần biên giới với Estonia. “Đưa con về với cô ấy ư? Cô ấy thậm chí không nuôi nổi một con chó!” láng giềng của Kuzmina,  Zoya Prokhorova, nói. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy Yulia khóc”, một láng giềng khác, Nina Serova khẳng định. “Nhưng có thể mong đợi gì đây, mẹ cô ấy cũng thế.”
"Nhận tiền và đi bù khú"
Mẹ của Yulia, Svetlana Kuzmina, đã mất tích vài năm nay. Kể từ khi được dư luận biết tới, Yulia và bạn trai từng bị tống cổ khỏi một chuyến xe lửa trên đường về nhà vì say xỉn và gây rối, theo truyền thông Nga. Không ai nghe thấy gì về họ trong khoảng một tuần lễ. “Cô ấy có lẽ đã nhận ít tiền từ đài truyền hình và đi đâu đó bù khú như mọi khi”, một người dân ở Gdov nói. Nơi Yulia ở là một căn nhà nhỏ đằng sau hàng rào gẫy đổ. Cửa chính không thể đóng được vì khóa hỏng, bát đĩa và quần áo bẩn nằm lăn lóc trong nhà bếp và phòng khách. Trong một góc phòng khách là một chiếc giường gỗ cho trẻ con. Một chiếc xe nôi cũ nằm trong sân, cũng như đồ chơi lăn lóc trên tuyết. “Căn nhà này ngày nào cũng có kẻ say xỉn và đánh nhau. Hàng xóm là những người mang thức ăn cho các đứa bé, lúc nào chúng cũng đói”, Serova nhớ lại.

Hình ảnh xập xệ tại ngôi làng Gdov (Nguồn: AFP)
Maxim sống ở nhà này một năm và Kirill sáu tháng trước khi được đưa tới trại mồ côi. Không lâu sau đó các em được gia đình Shatto ở Mỹ nhận nuôi. “Thật đau lòng khi nghĩ đến những đứa bé tội nghiệp đó. Cuộc đời các em đã là bi kịch từ khởi đầu”, Serova nói, mắt nhỏ lệ. “Tôi không biết chuyện gì xảy ra ở Mỹ, nhưng ở đây, với một bà mẹ như thế, Maxim có thể còn chết sớm hơn.” “Chúng tôi không đưa các em nhỏ rời khỏi gia đình mà không có lý do,” nhân viên xã hội làm việc ở Gdov, Nina Volkova, nói với AFP. “Đó là một quy trình dài và chúng tôi xem xét từng chi tiết nhỏ nhất. Nếu các em bị buộc phải đưa khỏi gia đình, có nghĩa là sinh mạng và sức khỏe các em bị đe dọa. Trường hợp anh em nhà Kuzmin là như thế.” Cái chết của Maxim làm dấy lên tranh luận về số phận các trẻ em Nga sau khi được những người Mỹ nhận nuôi. Kể từ năm nay, Nga cấm việc người Mỹ nhận con nuôi trong một động thái trả đũa nhiều tranh cãi với đạo luật Magnitsky của Mỹ, theo đó các quan chức Nga bị cho là có trách nhiệm trong vụ luật sư Sergei Magnitsky chết trong tù năm 2009 bị đưa vào một danh sách đen./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục