Nhà báo Lê Nam Thắng gia nhập Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) từ năm 1970. Ông có hơn 40 năm công tác cống hiến cho ngành. Trong bài báo này, ông trải lòng về một kỷ niệm thời đạn bom. Đằng sau hồi ức về một bữa cơm “gạo đỏ” trên đất Kiên Giang năm 1972 của nhóm phóng viên TTXGP là rưng rưng xúc cảm...
Một ngày giáp Tết năm 1972, nhóm bốn người của TTXGP, gồm có tôi và Huỳnh Dũng (phóng viên tin), Ngọc Bích, Việt Hùng (phóng viên ảnh), nằm như bất động trên cánh đồng biên giới, nơi tiếp giáp giữa Vĩnh Ðiều-Phú Mỹ (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang). Ðang là mùa khô với những đợt cháy đồng dai dẳng, chung quanh chúng tôi trống hoác, dù chỉ một ngọn cỏ cũng không.
Trên bầu trời, chiếc máy bay trinh sát L19 của Mỹ đã phát hiện ra chúng tôi, vòng lượn của nó ngày càng hẹp, có lúc gần như đứng thẳng ngay trên đầu, nó nghiêng đôi cánh để nhìn rõ hơn mục tiêu dưới đất. Tôi liếc nhìn đồng đội một lượt, Việt Hùng nằm gần tôi nhất, hiểu ý đưa hai ngón tay bắt chéo hình chữ V biểu thị quyết tâm. Bấy giờ mới 5 giờ kém 15, còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới đến tối, thừa thời gian để bọn giặc ra tay tiêu diệt mục tiêu dưới đất.
Trong chiến tranh có những yếu tố bất ngờ làm nên thắng lợi. Vượt biên giới giữa ban ngày là một sự bất ngờ. Nhưng lần này, nóng lòng về đồng bằng theo yêu cầu công tác, ý định tạo sự bất ngờ của bốn chúng tôi đã trở thành liều lĩnh, chúng tôi bị giặc phát hiện mất rồi. Có lẽ một chút nữa thôi, cả bốn đứa phải trả giá đắt. Do không phải là lính, nên ngoài máy ảnh, phim nhựa, giấy bút cộng một ít đồ dùng cá nhân... còn lại mỗi người chỉ có một khẩu súng ngắn, vài chục viên đạn để tự vệ. Thôi thì trong tình huống này, việc gì đến sẽ đến, bốn đứa sẽ quyết tử với kẻ thù lần cuối và hy sinh như một người lính ngoài mặt trận.
Ðang miên man suy nghĩ trong giây phút sinh tử, bỗng từ trên trời phát ra tiếng nổ, tôi ngước nhìn, thấy một quả pháo hiệu từ chiếc máy bay trinh sát L19 thả xuống, kẻ một đường khói màu da cam thẳng đứng rơi đúng chỗ chúng tôi đang nằm. Lập tức, chiếc máy bay trinh sát kia cũng bất ngờ tăng độ cao, lượn vòng ra xa tọa độ mà nó vừa chỉ điểm. Ðiều tôi lo lắng đã đến: Tức thì một trận mưa pháo từ bốn phía nã tới tấp xuống chỗ chúng tôi nằm. Thoạt đầu, còn mơ hồ nghe tiếng rít xé gió như trận cuồng phong của tầm đạn đi, những ánh chớp lửa liên hồi cùng tiếng nổ đinh tai nhức óc, mảnh đạn pháo bay rào rào dữ dội. Cả một vùng quanh chỗ chúng tôi nằm, mặt đất như có sóng thần, ngập ngụa trong khói đại bác. Và không mấy chốc, chẳng ai nhận biết được điều gì diễn ra sau đó.
Không biết trận tập kích bằng pháo đó kéo dài bao lâu. Khi tôi tỉnh lại thì mặt trời đã khuất sau đỉnh núi xa xa. Mặt đất nhuộm một màu tím thẫm. Hình như lúc đó, chiếc máy bay trinh sát L19 còn nán lại quần đảo mấy vòng quan sát trận địa lần cuối. Bọn lính ngồi trên máy bay khó lòng mà hình dung ra rằng giữa một vùng bình địa tan hoang như thế mà “Việt Cộng” có thể còn sống được!
Dù trên người bị thương, áo quần bê bết máu, tôi cố lê từng chút một qua từng miệng hố pháo còn khét lẹt, lần tìm đồng đội. Cách đó không xa, Ngọc Bích, Việt Hùng dần cựa quậy và hồi tỉnh lại, cả hai cũng bị thương, áo quần tơi tả và đầy máu. Trong chập choạng hoàng hôn, cả ba đứa kịp nhận ra nhau, cuống quýt ôm choàng lấy nhau. Duy chỉ có Huỳnh Dũng là nằm bất động. Khi chúng tôi bò đến bên, Dũng mở mắt thẫn thờ nhìn, miệng mấp máy điều gì. Nhưng cả ba chúng tôi, đôi tai đứa nào cũng rỉ máu, làm sao nghe được những lời trăn trối sau cùng đó. Rồi Dũng trút hơi thở cuối cùng.
Huỳnh Dũng bị một mảnh pháo khá lớn xuyên từ phía sau lưng làm đứt động mạch cổ, máu thắm đỏ chiếc ba lô, túi đựng máy ảnh, thấm đỏ cả chiếc ruột tượng đựng mấy lon gạo quàng qua người, thấm sang cả khoảng đất nơi Dũng nằm. Trong chiến tranh, từng hạt gạo đều quý báu. Chúng tôi gạt nước mắt, lấy gạo trong ruột tượng của Dũng, nấu cơm.
Ðêm hôm đó, tại khu rừng tràm thưa, thân cây vừa độ che phủ đầu người, cách nơi địch phát hiện ra chúng tôi lúc ban chiều độ khoảng hai cây số về phía Ðông, tôi và Ngọc Bích, Việt Hùng chọn một vuông đất hơi nhô cao (có lẽ đó là một bờ đìa cũ), lặng lẽ đào huyệt để chôn cất người đồng đội. Nấm mộ đơn sơ, chỉ một miếng nilon che mưa, tấm vải dù, cùng một vài vật dụng của người đã hy sinh: chiếc khăn, mấy bộ quần áo cũ... Tất nhiên là không thể thiếu một mảnh giấy ghi ngày, giờ, họ tên của người hy sinh, họ tên của ba người trực tiếp chôn cất. Mảnh giấy đó được cẩn thận cho vào một lon nhựa dùng đựng phim chụp ảnh, có nắp đậy kín đáo, chôn cùng với Dũng. Chúng tôi tính sau này hết chiến tranh, trong ba đứa tôi, ai còn sống sẽ quay lại tìm mộ Dũng. Còn nếu như cả ba đều hy sinh thì sau này, ai đó tìm thấy mộ cũng sẽ biết danh tính Huỳnh Dũng, đặng đưa Dũng về với quê mẹ...
Bây giờ, cánh rừng tràm ngày xưa mà ba đứa tôi chôn cất Huỳnh Dũng không còn nữa. Thay vào đó là vùng đất nông nghiệp trù phú của tứ giác Long Xuyên, một trong những vựa lúa của cả nước. Nó không chỉ sản xuất lúa đơn thuần mà còn có những dự án đầu tư trồng lúa chất lượng cao, lúa dinh dưỡng dùng cho người bệnh, với đủ màu sắc: vàng nhạt, tím than, đỏ huyết... nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu ra thế giới. Nào ai có biết, cách đây hơn 40 năm, những nhà báo TTXGP chúng tôi đã từng âm thầm trong đêm chia nhau vắt cơm “gạo đỏ.” Không phải thứ gạo đỏ giàu dinh dưỡng như bây giờ mà là những hạt gạo đỏ vì nhuộm máu người đồng đội vừa ngã xuống.
Cái dư vị mặn đắng của nước phèn, mùi tanh nồng của máu trong vắt cơm tối hôm đó vẫn hiển hiện nguyên vẹn trong ký ức chúng tôi. Ðể rồi đến bây giờ, chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi chúng tôi vẫn nghe đau nhói trong tim khi nhớ lại bữa cơm ấy./.