Rừng ở Đăk Tô lại bị xâm hại, loạt cây có đường kính 60cm bị đốn hạ

Tại cánh rừng thuộc lâm phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, Kon Tum, hàng loạt cây con, đường kính từ 15-20 cm bị hạ nằm ngổn ngang.
Rừng ở Đăk Tô lại bị xâm hại, loạt cây có đường kính 60cm bị đốn hạ ảnh 1Hiện trường vụ phá rừng ở lâm phần thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Thời gian qua, người dân ở xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, Kon Tum, phản ánh cánh rừng thuộc lâm phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô liên tục bị phá.

Lực lượng chức năng nhiều lần truy quét nhưng tình trạng khai thác gỗ vẫn còn tái diễn.  

Khi được hỏi về thực trạng phá rừng tại Đăk Rơ Nga, một lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô vẫn khẳng định không có phá rừng tại đây.

Tuy nhiên, khi phóng viên tiếp cận hiện trường tại núi Ngọc Ló thì phát hiện một số cây rừng bị hạ, hiện trường vẫn còn ngổn ngang.

Tại đây có ít nhất 5 cây gỗ, đường kính lớn từ 60cm trở lên đã bị hạ. Đối với các cây gỗ bị hạ, lâm tặc xẻ hộp vận chuyển ra khỏi rừng. Tại hiện trường còn sót lại một khúc gỗ đã xẻ hộp nhưng chưa kịp vận chuyển. Các bìa gỗ còn sót lại, sau khi xẻ hộp, có đường kính từ 60cm trở lên, dài 3-4 mét.

Các dấu hiệu tại trường cho thấy việc chặt hạ cây vừa xảy ra. Để “tỉa cây," lâm tặc đã mở một lối rộng khoảng 3m. Hàng loạt cây con, đường kính từ 15-20 cm bị hạ nằm ngổn ngang. Lâm tặc phát quang nhiều lối nhánh tiến sâu vào rừng. Ngay cạnh đó, có một lối đi rộng để vận chuyển gỗ.

Có thể thấy, việc khai thác gỗ lậu tại đây diễn ra ngang nhiên, lâm tặc mở lối, phát quang, chọn cây đốn hạ, bằng phương tiện cưa lốc, xẻ hộp tại chỗ... 

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô thừa nhận: "Việc khai thác gỗ nhỏ lẻ vẫn còn, chưa thể triệt tiêu hoàn toàn. Cán bộ công ty thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử lý, bắt giữ, tịch thu một số phương tiện như tời, cưa xăng... Chúng tôi đã hạn chế được việc khai thác kiểu ồ ạt, vận chuyển bằng xe cơ giới, chỉ còn tình trạng khai thác nhỏ lẻ, vận chuyển bằng xe máy độ chế và hoạt động ban đêm."

"Trong công tác quản lý bảo vệ rừng chúng tôi đã làm hết khả năng, làm theo trách nhiệm. Khi có sự việc, thường người dân báo chúng tôi ngay, chưa phản ánh cơ quan chức năng, báo chí. Phản ánh của dân trung thực, khách quan thì chúng tôi phối hợp xử lý ngay."

[Kon Tum: Lâm tặc ngang nhiên mở lối phá rừng ở huyện Đăk Tô]

Tuy nhiên, qua làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Vũ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô cho rằng chủ rừng có nắm bắt thông tin nhưng chưa kịp thời xử lý các tình huống; sự phối hợp giữa chủ rừng với chính quyền địa phương chưa thực sự hiệu quả, chính vì vậy tình hình vi phạm vẫn còn xảy ra.

Bên cạnh đó, chủ rừng tổ chức tuần tra, truy quét chưa thường xuyên. Việc nắm bắt các khu vực trọng điểm, tổ chức lực lượng phối hợp với các cơ quan đủ mạnh để tổ chức truy quét trên lâm phần Nhà nước giao quản lý cũng chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Rừng ở Đăk Tô lại bị xâm hại, loạt cây có đường kính 60cm bị đốn hạ ảnh 2Hiện trường vụ phá rừng ở lâm phần thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Theo tìm hiểu của phóng viên, các tiểu khu 274, 275, 276 và 279 thuộc xã Đăk Rơ Nga, giáp ranh với xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, đã trở thành điểm nóng về phá rừng nơi đây.

Thủ đoạn của lâm tặc sử dụng cưa lốc hạ cây, xẻ hộp tại chỗ và vận chuyển tang vật ngay. Phương tiện vận chuyển là xe máy độ chế, mỗi xe vận chuyển được từ 0,1-0,4 mét khối hoặc dùng sức trâu kéo.

Mỗi lần vào rừng khai thác, lâm tặc thường chia thành tốp từ 2-15 người, hoạt động thường xuyên cả ngày lẫn đêm. Gỗ được vận chuyển tới xã Đăk Ang hoặc khu vực giáp ranh giữa Đăk Tô và Ngọc Hồi có xe đợi sẵn để vận chuyển đưa đi tiêu thụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục