Rừng đặc dụng VN đang bị suy thoái nghiêm trọng

Rừng đặc dụng Việt Nam hiện đang bị suy thoái nghiêm trọng và sẽ tiếp tục tồi tệ nếu không có biện pháp quản lý, bảo vệ hiệu quả.
Tại Hội thảo “Tương lai rừng Việt Nam” về chính sách, nguồn lực và thực thi lâm luật (ngày 15/6 tại Hà Nội), các chuyên gia môi trường cho biết, rừng đặc dụng Việt Nam đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Đưa ra bức tranh về môi trường rừng đặc dụng Việt Nam, ông Ngô Tiến Dũng, Vụ Bảo tồn Thiên Nhiên (Tổng cục Lâm nghiệp) cho rằng, hiện nay các khu rừng đặc dụng Việt Nam đang bị suy thoái bởi áp lực của cộng đồng.

Theo ông Dũng, việc quản lý và thực thi lâm luật còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí còn thấp, đội ngũ làm công tác bảo tồn còn non kém, không được đào tạo bài bản, việc quản lý thiếu đồng bộ từ trung ương đến địa phương.

Kết quả rà soát rừng đặc dụng của Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (VNPPA) cho thấy, Việt Nam đã thành lập được 164 khu rừng đặc dụng trên toàn quốc với tổng diện tích quy hoạch gần 2,2 triệu ha (1,94 triệu ha diện tích có rừng).

Tuy nhiên, dưới áp lực ngày càng tăng của đói nghèo, sinh kế, trong đó một phần nguyên nhân quan trọng là do chưa gắn kết được cộng đồng dân cư vào công tác bảo vệ và phát triển rừng đã dẫn đến việc rừng đặc dụng đang bị suy thoái.

Ông Trần Chí Trung, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (CRES) nói, việc thực thi lâm luật, quản lý và ngăn chặn tình trạng phá rừng là vấn đề cần phải làm triệt để. Quản lý có hiệu quả và bền vững các khu rừng trồng sản xuất và bảo tồn đa dạng sinh học ở một số khu rừng đặc dụng có giá trị đa dạng sinh học cao sẽ tăng thêm đóng góp của ngành lâm nghiệp vào công tác xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc thu hút các tổ chức cộng đồng phối hợp tham gia quản lý rừng đặc dụng là rất cần thiết và khả thi. Do đó, các cơ quan chức năng cần đề ra một số chính sách và việc thực thi lâm luật cụ thể để người dân được hưởng lợi từ rừng và ngược lại cũng phải có trách nhiệm với rừng... thì mới mong rừng được bảo vệ, tránh khỏi thảm cảnh bị "xẻ thịt."/.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục