Kể từ đợt bùng phát dữ dội hồi tháng 8 vừa qua, nạn cháy rừng tại rừng Amazon ở Brazil vẫn diễn biến phức tạp.
Theo kết quả phân tích các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE), từ tháng 1 năm nay, tại Brazil đã xảy ra hơn 131.000 vụ cháy rừng.
Các vụ cháy này, với nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động phát quang của con người để phục vụ cho nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, đã gây tác động nghiêm trọng tới rừng rậm Amazon.
Diện tích rừng bị chặt phá tại đây đã tăng gấp đôi kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro lên nắm quyền với diện tích rừng bị phá mỗi giờ tương đương diện tích của 110 sân đá bóng.
Các chuyên gia INPE cho biết số vụ cháy rừng tại Brazil lên tới mức cao nhất trong vòng 7 năm qua và đã có xu hướng giảm nhẹ từ đầu tháng này.
Thống kê của cơ quan này cho thấy tính từ đầu năm đến ngày 19/9, số vụ cháy rừng tại Brazil đã tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Một nửa trong số này xảy ra tại rừng rậm Amazon.
Riêng tại bang Rondonia, trong các ngày 18-19/9, số vụ cháy rừng đã tăng 1.915%, từ 12 vụ của hôm trước lên 242 vụ trong ngày hôm sau.
Các vụ cháy rừng cũng ngày càng gia tăng tại thảo nguyên Cerrado với khoảng 30% các vụ cháy ở Brazil xảy ra tại đây.
[Thêm một bằng chứng cho thấy khủng hoảng sinh thái đang lan rộng]
Trước diễn biến nghiêm trọng của các vụ cháy rừng và sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Bolsonaro, người vốn có tư tưởng hoài nghi về tác động của biến đổi khí hậu, đã điều động hơn 7.000 binh sỹ và 16 máy bay chiến đấu để khống chế đám cháy lan rộng cũng như ngăn chặn hoạt động chặt phá rừng và khai khoáng bất hợp pháp.
Tuy nhiên, ông Marcio Astrini, một quan chức của tổ chức Hòa bình xanh tại Brazil cho rằng biện pháp trên của chính phủ sẽ không khiến tình hình khả quan hơn, bởi việc sử dụng máy bay không thể ngăn chặn triệt để tình trạng chặt phá rừng.
Quan chức này đồng thời nghi ngờ cam kết bảo vệ rừng Amazon của chính phủ Brazil, vì cho rằng một mặt thể hiện nỗ lực ngăn chặn các vụ cháy rừng, thì mặt khác, chính quyền của Tổng thống Bolsonaro lại vẫn cho phép việc chặt phá rừng để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo kế hoạch, Hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc sẽ diễn ra bên lề kỳ họp lần thứ 74 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 23/9, với sự tham gia của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Chile Sebastian Pinera và Tổng thống Colombia Ivan Duque với nội dung chính xoay quanh tình hình cháy rừng tại Brazil.
Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles cũng tham dự hội nghị này trước khi lên đường công du châu Âu./.