Trong buổi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters mới đây, Giám đốc cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P), ông Kim Eng Tan nhận định: Những rủi ro xuất phát từ Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế Hàn Quốc và xếp hạng tín nhiệm của nước này, với những tác động còn lớn hơn cả động thái tăng lãi suất (dự kiến) của Mỹ, trong bối cảnh những chính sách của Bắc Kinh đã trở nên khó dự đoán hơn.
Theo ông Kim Eng Tan, trong giai đoạn từ một đến hai năm tới, kinh tế Trung Quốc sẽ không sa sút quá nhiều do chính phủ vẫn còn nhiều nguồn lực để ứng phó với các bất ổn có thể xảy ra, nhưng các vấn đề kinh tế về lâu dài có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Ông Tan cho biết những thay đổi chính sách gần đây của Chính phủ Trung Quốc đã gây nhiều bất ổn và khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng kiểm soát rủi ro của Bắc Kinh.
Cách đây khoảng một tháng, các thị trường tài chính toàn cầu chao đảo sau khi Trung Quốc bất ngờ điều chỉnh hạ giá đồng nhân dân tệ.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm hơn 1/5 tổng giá trị ngoại thương của "Xứ sở kim chi."
S&P cũng vừa quyết định hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, do thương mại toàn cầu yếu và lo ngại về xu hướng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo dự báo của S&P, kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2015 và 2,8% năm 2016, thấp hơn so với mức ước tính tăng lần lượt 3% và 3,2% đưa ra trước đó.
S&P xếp hạng tín nhiệm của Hàn Quốc ở mức A+ (tương đương khuyến khích đầu tư) với triển vọng tích cực.
Ngày 11/9, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5%, trong bối cảnh BOK đánh giá ảnh hưởng từ những lần cắt giảm lãi suất gần đây cũng như khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên nâng lãi suất trong gần một thập kỷ.
BOK đã hạ lãi suất xuống 1,75% vào tháng Ba và tiếp tục hạ xuống 1,5% vào tháng Sáu sau lần đầu tiên cắt giảm lãi suất xuống 2% hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này không có dấu hiệu khởi sắc đáng kể với tăng trưởng trong quý 2 năm nay chậm ở mức 0,3%, một phần do ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch Hội chứng suy hô hấp vùng Trung Đông (MERS) khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm./.