Khi chuyển tài khoản đầu tư sang nền tảng đầu tư trực tuyến Nutmeg vào tháng 11/2021, cô Lucy Carraz muốn tiền của mình được đầu tư vào các công ty thân thiện với môi trường nhất.
Tuy nhiên, sau khi chọn đầu tư ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) trên nền tảng này, được coi là phương thức đầu tư ưu tiên các công ty và tổ chức phát hành trái phiếu có các tiêu chuẩn cao về môi trường, xã hội và quản trị, cô Carraz đã "sốc" khi phát hiện ra rằng thay vì các công ty năng lượng gió và Mặt Trời như mong đợi, cổ phần lớn nhất trong danh mục đầu tư mới của cô là cổ phiếu ngân hàng.
Xuất hiện hiện tượng bán sai
Theo tờ Financial Times (FT), trải nghiệm của Carraz phản ánh nhận thức ngày càng tăng trong giới đầu tư nhỏ lẻ và các nhà đầu tư lớn ở Anh, Mỹ và khắp châu Âu rằng một số khoản tiền khổng lồ mà họ đổ vào các sản phẩm đầu tư xanh, được dán mác đạo đức trong những năm gần đây, có thể không được đầu tư theo cách họ nghĩ.
Một loạt các vụ bê bối nổi tiếng, đáng chú ý nhất là cuộc điều tra đối với công ty quỹ DWS (Đức) về việc liệu công ty này có lừa dối khách hàng liên quan đến những khoản đầu tư bền vững của mình hay không, đã làm dấy lên lo ngại rằng một số tuyên bố xanh táo bạo của các công ty quản lý tài sản chẳng qua chỉ là hành động “bán sai” (mis-selling, chỉ hành vi bán hàng trong đó thông tin về sản phẩm bị xuyên tạc một cách cố ý hoặc khiến khách hàng hiểu sai về tính phù hợp của sản phẩm).
Fiona Huntriss, một luật sư tại Công ty luật Pallas Partners chuyên về các vụ kiện tài chính và từng giải quyết các vụ bán sai, cho biết: “Các công ty quỹ sử dụng ngôn từ tối nghĩa, không nhất quán, bỏ sót thông tin và thiếu rõ ràng, vốn là những yếu tố cơ bản dẫn đến các tuyên bố bán sai.”
Carraz không nghĩ Nutmeg đã lừa dối mình, nhưng cô tin rằng quy trình cho các nhà đầu tư mới cần rõ ràng hơn.
Trong những năm gần đây, ra mắt các sản phẩm theo chủ đề ESG trở thành lĩnh vực tăng trưởng cần thiết đối với các công ty quản lý tài sản, nhiều trong số này đang chịu áp lực từ các công cụ theo dõi chỉ số chi phí thấp. Các quỹ xây dựng thương hiệu xanh cho phép những công ty này tiếp cận nhu cầu khổng lồ của nhà đầu tư và giúp họ biện minh tốt hơn trong việc tính các khoản phí cho việc lựa chọn cổ phiếu.
[Tòa Kiểm toán châu Âu chỉ trích EU chậm thúc đẩy đầu tư xanh]
Theo nhà cung cấp dữ liệu tài chính Morningstar, các nhà đầu tư trên toàn cầu đã rót 142,5 tỷ USD vào các quỹ phát triển bền vững trong quý 4/2021, tăng 12% so với quý trước đó. Con số này đã nâng tổng tài sản bền vững trên toàn thế giới lên ngưỡng 2.700 tỷ USD tại hơn 5.900 quỹ, 75% trong số này ở châu Âu. Morningstar cũng lưu ý “các công ty quản lý tài sản tiếp tục chuyển mục đích và đổi thương hiệu các sản phẩm thông thường của quỹ thành các sản phẩm bền vững.”
Phần lớn dòng tài sản đến từ các nhà đầu tư lẻ muốn tạo ra sự khác biệt tích cực cho hành tinh hoặc xã hội. Họ đầu tư các khoản tiết kiệm hoặc lương hưu vào lĩnh vực này dựa vào các tuyên bố được đưa ra trong tài liệu hoặc quảng cáo của quỹ. Tại Vương quốc Anh, cứ 3 bảng doanh thu ròng của các quỹ đầu tư lẻ thì có 1 bảng được đầu tư các sản phẩm “có trách nhiệm,” theo dữ liệu từ Hiệp hội Đầu tư của nước này.
Trong bối cảnh có một loạt các chỉ số ESG khác nhau và mâu thuẫn thường được đưa ra ở các thị trường khác nhau, dựa trên cảm nhận của các cơ quan quản lý trong lĩnh vực vẫn còn mới mẻ này, các công ty quỹ thường dựa vào sự kết hợp giữa xếp hạng của bên thứ ba và nghiên cứu của riêng họ để quảng bá cho quỹ bằng việc sử dụng rộng rãi những từ ngữ mơ hồ như “bền vững” và “xanh.”
Tuy nhiên, một số vụ bê bối đã làm rung chuyển ngành này, qua đó thúc đẩy sự giám sát nghiêm ngặt hơn đối với những tuyên bố tương tự. Năm ngoái, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ và Cơ quan quản lý Đức BaFin đã bắt đầu điều tra DWS sau khi cựu Giám đốc ESG của công ty này là Desiree Fixler cáo buộc công ty đã lừa dối khách hàng về lượng tài sản được đầu tư bền vững.
Một cuộc điều tra của FT công bố vào tháng 7/2021 cho thấy một số công ty quỹ có tuyên bố mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền cũng đang cấp các khoản vay cho các tổ chức có các hành vi lạm dụng.
Vào năm ngoái, cựu Giám đốc đầu tư toàn cầu về đầu tư bền vững tại BlackRock Tariq Fancy đã gây chú ý khi cho biết việc đầu tư vào ESG chỉ là “cường điệu tiếp thị” và “những lời hứa suông.” Ông Fancy, hiện đang điều hành một tổ chức phi lợi nhuận về công nghệ giáo dục, cho FT biết “sẽ có nhiều vụ bê bối sớm được đưa ra ánh sáng.”
Những sự cố như vậy khiến các công ty quỹ lo ngại về khả năng tăng giám sát pháp lý đối với các tuyên bố mà họ đưa ra. Trong khi đó, một số luật sư lập luận rằng các thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để tiếp thị các quỹ ESG có thể có hiệu lực tính pháp lý nhiều hơn các công ty tưởng.
Luke Fletcher, luật sư tại công ty luật Bates Wells có trụ sở ở London, người đang xem xét các tuyên bố về tính bền vững của các quỹ đầu tư, cho rằng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 sẽ là tiêu chuẩn pháp lý để đánh giá ngôn từ được sử dụng để quảng bá các quỹ ESG.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) vào tháng 11/2021 ở Glasgow (Vương quốc Anh), các bên cam kết thực hiện các mục tiêu mới về phát thải khí nhà kính vào cuối năm nay, để đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C và tốt nhất là 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Mặc dù Hiệp định Paris ràng buộc về mặt kỹ thuật đối với các quốc gia hơn là các công ty riêng lẻ, những đã có dấu hiệu cho thấy Hiệp định này đang được các thẩm phán coi là tiêu chuẩn mà các công ty phải tuân thủ. Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào tháng 5/2021, một tòa án ở La Hay (Hà Lan) đã dẫn Hiệp định Paris khi ra phán quyết tập đoàn Shell phải cắt giảm nhiều hơn các mục tiêu phát thải so với kế hoạch.
Tháng 8/2021, báo cáo của tổ chức InfluenceMap cho thấy có đến 421/593 quỹ cổ phần ESG có danh mục đầu tư không phù hợp với các mục tiêu khí hậu của Hiệp định Paris và 72/130 quỹ đầu tư khí hậu không phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris mặc dù 75% các quỹ này được tiếp thị là "phù hợp” với Hiệp định này.
Báo cáo cho thấy các quỹ khí hậu thường đầu tư vào các công ty dầu khí như Chevron và ExxonMobil và công ty đường ống Kinder Morgan. Song, cả Chevron và ExxonMobil đều được đánh giá là không phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris, theo nhóm nghiên cứu Transition Pathway Initiative.
Trong khi các quỹ đã nhanh chóng tăng quy mô đầu tư ESG trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý tài chính thường chậm hơn trong việc tìm ra biện pháp nhằm kiểm soát lĩnh vực này.
Theo Catherine Howarth, Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện đầu tư có trách nhiệm ShareAction, điều này đã tạo ra một “thời kỳ lấp lửng” mà người tiêu dùng có nguy cơ mua phải những sản phẩm được quảng cáo không đúng thực tế.
Khi các cơ quan quản lý vào cuộc
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy các cơ quan quản lý đang theo đuổi đường lối cứng rắn hơn, với một loạt các quy định đánh vào lĩnh vực này, giúp cung cấp cho các nhà đầu tư các tiêu chuẩn rõ ràng hơn để đánh giá các tuyên bố của quỹ.
Tại Liên minh châu Âu (EU), Quy chế công bố tài chính bền vững, dựa trên cơ sở hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris, đã đưa ra yêu cầu mới về công bố thông tin đối với các quỹ được phân loại khác nhau tùy thuộc vào mức độ đầu tư bền vững.
Tháng 2/2022, Cơ quan Thị trường và Chứng khoán châu Âu cho biết họ đang tìm cách định nghĩa về quảng cáo xanh (greenwashing) có thể được các nhà lập pháp sử dụng.
Tại Vương quốc Anh, Cơ quan Quản lý Tài chính, vào tháng 7/2021 cho biết việc áp dụng quy định bởi các quỹ ESG “thường chứa các tuyên bố không được giám sát.” Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh cũng ban hành Bộ quy tắc tuyên bố xanh, trong đó đưa ra các nguyên tắc chi tiết về cách các doanh nghiệp công bố về ESG. Mặc dù không nhắm cụ thể vào các công ty quỹ, một số nhà bình luận tin rằng quy định này có thể sớm bắt đầu được áp dụng trong lĩnh vực này.
Cơ quan Tiêu chuẩn Quảng cáo Anh cho rằng các quảng cáo về ESG sẽ phải được giám sát chặt chẽ hơn về mặt pháp lý trong tương lai. Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) cũng thành lập lực lượng đặc nhiệm về ESG, bao gồm kiểm tra việc công bố thông tin và tuân thủ quy định của các quỹ.
Tuy nhiên, một số người tin rằng các cơ quan quản lý có thể không hành động đủ nhanh. Theo luật sư Fletcher từ công ty Bates Wells, có vẻ như có việc bán sai sản phẩm “bền vững” đã trở nên phổ biến trên thị trường.
Sự khác biệt giữa tuyên bố của một số quỹ và các khoản đầu tư thực tế của họ đã khiến một số người trong cuộc cho rằng khả năng khởi kiện các công ty quỹ ở châu Âu hay Mỹ về bán sai chỉ là vấn đề thời gian. Robert Allen, luật sư tại công ty luật Simmons & Simmons có trụ sở tại London, đã chỉ ra các vụ kiện pháp lý về ESG do cổ đông các công ty khởi kiện.
Một câu hỏi được đặt ra xoay quanh khái niệm “lỗ” trong việc khởi kiện. Về lý thuyết, một nhà đầu tư bỏ tiền vào một quỹ ESG đã đầu tư vào các cổ phiếu “bẩn” có thể sẽ kiếm được nhiều tiền hơn những gì họ sẽ có nếu đầu tư vào một quỹ chỉ chuyên đầu tư vào các công ty bền vững. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể lập luận rằng họ vẫn lỗ, dựa trên thiệt hại mà khoản đầu tư gây ra đối với môi trường.
Hiện vẫn chưa rõ liệu có tòa án nào sẽ chấp nhận điều này hay không. Tuy nhiên, trong một phán quyết năm 2019, Cơ quan thanh tra tài chính Anh đã bác bỏ khiếu nại của một nhà đầu tư lẻ rằng cố vấn tài chính đã không tuân theo mong muốn của nhà đầu tư để đầu tư vào các cổ phiếu có đạo đức. Nhà đầu tư đã được hưởng một khoản tiền nhỏ dù không bị thiệt hại về tài chính.
Martina Colombo, cộng sự cấp cao công ty quản lý tư vấn MJ Hudson, cho biết những vụ kiện tụng dựa trên tổn thất môi trường vẫn là vấn đề còn phải xem xét, song nhận định điều này giờ đây có thể thành hiện thực./.