Rủi ro gia tăng trong ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới

Cuộc chiến giá dầu giữa hai quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới có thể dẫn đến hậu quả là các vụ phá sản, vỡ nợ và nguy cơ tạm dừng sản xuất trong ngành công nghiệp dầu mỏ.
Rủi ro gia tăng trong ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới ảnh 1Công nhân công ty dầu Aramco làm việc tại nhà máy chế dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Straits Times mới đây đăng bài bình luận của ông Ovais Subhani, phóng viên cao cấp của tờ báo này, nhận định rằng cuộc chiến giá dầu giữa hai quốc gia khai thác dầu mỏ lớn nhất thế giới có thể dẫn đến hậu quả là các vụ phá sản, vỡ nợ và nguy cơ tạm dừng sản xuất trong ngành công nghiệp dầu mỏ.

Saudi Arabia và Nga đe dọa sẽ tăng nguồn cung dầu thô trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu đối với nguồn nhiên liệu này đang bị sụt giảm mạnh do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Sự sụp đổ của liên kết giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga đã dẫn tới tình trạng rớt giá mạnh của dầu thô. Điều này có thể dẫn tới việc đình chỉ các dự án thăm dò, khai thác và phát triển các mỏ dầu trong thời gian tới.

Sự sụt giảm nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ cũng sẽ giáng mạnh vào các nhà cung cấp dịch vụ. Các hãng đóng tàu và nhà cung cấp trang thiết bị sẽ chứng kiến số lượng đơn hàng giảm.

[Giới phân tích lo ngại về nguy cơ nổ ra cuộc chiến giá dầu mới]

Tại Singapore, không ít công ty trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ, ngành công nghiệp hàng hải ngoài khơi và công nghiệp đóng tàu đã trở thành “nạn nhân” khi giá dầu mỏ sụt giảm mạnh trong giai đoạn 2015-2016 do cuộc chiến giá dầu gây ra.

Những “người sống sót” trong cuộc chiến giá dầu lúc đó hiện đã có khả năng tự phục hồi lớn hơn và dường như sẽ đủ khả năng thích ứng với “cơn bão” hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Suvro Sarkar của ngân hàng DBS Bank cho biết các doanh nghiệp ở châu Á với phạm vi bảo hiểm hợp đồng không phù hợp và năng lực còn yếu sẽ phải đối mặt với áp lực lớn vì toàn bộ chuỗi giá trị dầu khí đã bị thắt chặt nguồn vốn.

Rủi ro gia tăng trong ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới ảnh 2Cơ sở lọc dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chẳng hạn, báo cáo khoản lỗ 77,7 triệu SDG (55,53 triệu USD) trong quý 4/2019, công ty đóng và sửa chữa tàu Sembcorp Marine có thể sẽ phải chật vật để có thể giành được các đơn đặt hàng mới nếu cuộc khủng hoảng cung-cầu hiện tại còn tiếp diễn.

Tác động từ sự bùng phát dịch COVID-19 và cuộc chiến giá dầu cũng có thể khơi mào các cuộc đàm phán trên thị trường về vấn đề mua bán, sáp nhập hoặc thôn tính doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Singapore cũng là nơi đặt các cơ sở lọc hóa dầu của các công ty dầu mỏ lớn như Exxon Mobil và Chevron. Các nhà máy lọc dầu thường phải tích trữ một lượng lớn dầu thô trong các bể chứa để đảm bảo các nhà máy lọc dầu hoạt động trơn tru, cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải, tàu bè và các nhà máy phát điện.

Do giá dầu thô giảm mạnh, hầu hết các nhà lọc hóa dầu sẽ phải chịu tổn thất lớn về hàng tồn kho vì mức giá hiện tại thấp hơn giá dầu họ đang lưu giữ trong kho.

Với nhu cầu về nhiên liệu bị hạn chế, các doanh nghiệp lọc hóa dầu này chỉ có thể dựa vào chi phí đầu vào thấp hơn để cải thiện lợi nhuận.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp lọc hóa dầu lớn - bao gồm Exxon, Chevron, các công ty lớn của châu Á tại Trung Quốc và Hàn Quốc - nhiều khả năng sẽ tăng tích trữ dầu mỏ và nhanh chóng đặt hàng từ những nguồn cung giá rẻ hơn như Saudi Arabia cũng như từ các nước thuộc OPEC để làm giảm bớt thiệt hại.

Trong khi đó, một số lượng lớn các nhà máy lọc hóa dầu dự kiến sẽ giảm hoạt động lọc, tinh chế dầu để phù hợp với nhu cầu thấp hiện tại.

Theo Wood Mackenzie ước tính, nếu giá dầu thô được duy trì ở mức dưới 40 USD/thùng, điều này sẽ làm gia tăng khả năng phá sản của các công ty đã sử dụng quá nhiều “đòn bẩy tài chính” hoặc đang gánh nhiều khoản nợ nần. Trong số này có không ít các nhà sản xuất dầu đá phiến.

Theo công ty xếp hạng tín dụng Moody's, ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ có khoảng 86 tỷ USD nợ sẽ đến hạn thanh toán trong vòng bốn năm tới. Ngay cả một số tập đoàn dầu mỏ lớn, trong đó có Chesapeake Energy, được nhìn nhận là đang ở thời điểm gặp nguy cơ cao về vỡ nợ trong năm nay.

Theo ông Sarkar, các công ty dầu mỏ của Mỹ đã có thể sống sót một cách kỳ diệu khi Saudi Arabia gây ra tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ trong giai đoạn 2015-2016. Điều này có được là nhờ thị trường tài chính vẫn còn tương đối tốt lúc đó.

Tuy nhiên, đó có thể là điều kỳ diệu “cuối cùng” và trong giai đoạn này không có phép màu nào. Tăng trưởng sản lượng dầu mỏ của Mỹ sẽ giảm mạnh nếu giá dầu thô vẫn ở mức 30-35 USD/thùng.

Theo ông Mark Lacey, người đứng đầu bộ phận nguyên vật liệu của Schroder, nếu Mỹ giảm sản lượng và dẫn tới giảm nguồn cung dầu mỏ, giá dầu có thể tăng cao hơn đáng kể trong tương lai.

Chính vì vậy, ông Lacey cho rằng "nếu càng duy trì lâu mức giá dầu hiện tại, ngày càng nhiều nguồn cung dầu mỏ sẽ bị loại bỏ.” Giá dầu mỏ được dự báo sẽ tăng cao hơn rất nhiều khi thị trường bước vào giai đoạn có nhu cầu ổn định và các công ty gia tăng tích trữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục