Rửa tay với xà phòng làm giảm 35% nguy cơ lây truyền bệnh

Theo các nhà khoa học, mỗi cm2 bề mặt da của cơ thể chứa tới hàng chục nghìn vi khuẩn có khả năng gây bệnh, tập trung nhiều ở da bàn tay.
Hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng phòng chống nhiều dịch bệnh. (Ảnh: TTXVN)

Theo đánh giá từ Bộ Y tế, hiện nay đang là thời gian cao điểm với điều kiện thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch.

Đặc biệt, thời gian gần đây ở một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc bệnh tay chân miệng tăng cao cục bộ, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội...

Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp

Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào, thì các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm, bệnh về đường tiêu hóa luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cục bộ, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

[Tỉnh Tiền Giang có ca tử vong đầu tiên do bệnh tay chân miệng]

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ một động tác rửa tay với xà phòng đã làm giảm tới 35% nguy cơ lây truyền các bệnh tiêu chảy. Trong khi đó, bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới.

Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 - 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em.

Theo các chuyên gia, trên bàn tay của mỗi người có chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn, tay-chân- miệng…

Những năm gần đây đã và đang xuất hiện một số dịch bệnh từ nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm mới, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.

Vì vậy, cách tốt nhất để các vi khuẩn này không vào được cơ thể hay phát tán chính là vệ sinh tay đúng cách.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF), 88% các trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến tình trạng vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tiêu chảy và viêm phổi là hai bệnh chính có liên quan đến việc lây truyền các mầm bệnh qua bàn tay và là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 1,7 triệu trẻ em trên thế giới hàng năm. Ngoài ra, vệ sinh kém cũng làm gia tăng các bệnh như tay chân miệng, bệnh ngoài da, bệnh giun sán...

Vệ sinh kém, tiêu chảy và bệnh giun sán cũng là các nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và khả năng học tập của trẻ em.

Các trường hợp mắc và tử vong do các bệnh nói trên có thể ngăn ngừa được thông qua việc rửa tay với xà phòng.

Tại Việt Nam, theo niên giám thống kế y tế, bệnh tiêu chảy cũng là bệnh có tỷ lệ mắc cao thứ hai ở Việt Nam. Tuy vậy, việc rửa tay với xà phòng vẫn chưa trở thành thói quen thường xuyên của nhiều người dân.

5 thời điểm quan trọng rửa tay với xà phòng

Theo các nhà khoa học, mỗi cm2 bề mặt da của cơ thể chứa tới hàng chục nghìn vi khuẩn có khả năng gây bệnh, tập trung nhiều ở da bàn tay với khoảng 200 triệu mầm bệnh, hỗn tạp nhiều loại vi khuẩn vì đôi tay thường xuyên tiếp xúc với đủ mọi vật trong cuộc sống. Bàn tay thường là trung gian đem mầm bệnh vào cơ thể con người.

Có rất nhiều cách để phòng tránh sự lan truyền của vi khuẩn gây bệnh, nhưng đơn giản, hiệu quả nhất chính là rửa tay với xà phòng.

Việc vệ sinh tay được cho như là một vắcxin phòng bệnh đơn giản và dễ thực hiện, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, người bệnh càng cần chú trọng đến vệ sinh tay, bởi hệ miễn dịch yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công.

WHO đưa ra khuyến cáo: Rửa tay là biện pháp đơn giản nhất, rẻ tiền nhất và cũng hiệu quả nhất trong kiểm soát nhiễm khuẩn, do đó cần tăng cường sự tuân thủ rửa tay.

Theo các bác sỹ, mỗi người dân cần thực hiện việc rửa tay vào 5 thời điểm quan trọng: Sau khi sử dụng nhà vệ sinh (đi tiểu, đi đại tiện); Sau khi ra ngoài đường; Sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh; Sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay; Trước khi vào bữa ăn, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn cho gia đình.

Chính vì vậy thực tế đòi hỏi hành động ngăn ngừa bệnh tật không chỉ là công việc trong bệnh viện, công việc của nhân viên y tế, mà là việc chung của cả cộng đồng, trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó vệ sinh tay cùng với phòng ngừa chuẩn là những giải pháp căn cơ.

Theo các chuyên gia y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lan truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh, là nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế. Trong các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh tay luôn được coi là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục